Friday, 15/11/2024 | 04:42 GMT+7
Kyrgyzstan là một nước nghèo ở Trung Á và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng khi tiềm năng thuỷ điện đã dần cạn kiệt trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng cao. Nguồn cung không ổn định và bền vững, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp trong toàn bộ các khu vực kinh tế là thách thức nghiêm trọng của nước này.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cơ sở hạ tầng và thiết bị cũ kỹ, kém hiệu quả năng lượng là nguyên nhân khiến mức tiêu thụ năng lượng/ đơn vị GDP của Kyrgyzstan luôn cao gấp 3-4 lần so với tiêu chuẩn quốc tế.
Để đối phó với thực trạng đáng báo động nêu trên, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu đã hỗ trợ chính phủ Kyrgyzstan xây dựng một bộ luật hai cấp độ về hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng. Luật này dựa trên các nguyên tắc được quy định trong “Chỉ thị về hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng” của EU.
Ở cấp độ thứ nhất, Đạo luật số 137 về hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng có mục tiêu xác định trách nhiệm pháp lý của các chủ sở hữu toà nhà và những công cụ có thể được sử dụng để thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng gồm nhà riêng, mặt bằng kinh doanh thương mại và toà nhà công cộng.
Ở cấp độ thứ hai, Nghị định số 531 của chính phủ đã được đưa ra, trong đó trình bày chi tiết quy trình kiểm toán năng lượng định kỳ cho nồi hơi và hệ thống sưởi ấm, cũng như việc cấp giấy chứng nhận đạt hiệu quả năng lượng. Toàn bộ các tiêu chuẩn cụ thể đều đã được cân nhắc một cách kỹ lưỡng và đáp ứng tiêu chuẩn ISO EN 13790/2008.
Nhìn chung, Đạo luật số 137 và Nghị định số 531 đã tuân thủ đẩy đầy đủ Chỉ thị Xây dựng của EU và đưa ra một khái niệm pháp luật mới về hiệu quả năng lượng đối với các quan chức Kyrgyzstan.
Với bộ luật này, Kyrgyzstan đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Cộng đồng các quốc gia độc lập thiết lập cơ chế pháp lý về hiệu quả năng lượng đối với công trình xây dựng, dựa trên những kinh nghiệm thành công từ các nước EU.
Anh Tuấn (Theo EBRD)