Friday, 10/01/2025 | 22:26 GMT+7
Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và cải tiến về công nghệ, đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh - một trong những mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm sản xuất và tiêu thụ bền vững, giảm phát khí thải nhà kính, xanh hóa các hoạt động của doanh nghiệp thông qua các công nghệ tiên tiến thân thiện môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, và cải cách công cụ kinh tế.
Tuy nhiên, để có thể thu hút nhiều doanh nghiệp Châu Âu đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, Việt Nam cần có những cơ chế thương mại đủ sức hấp dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Hiện nay, Việt Nam chưa có nhiều cơ chế, chính sách cũng như luật về lĩnh vực năng lượng tái tạo, một lĩnh vực rất quan trọng trong tương lai, nhằm đảm bảo ổn định năng lượng một cách bền vững.
Theo ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp Việt Nam hiện hoạt động theo các tiêu chí về tăng trưởng xanh chưa nhiều, hầu hết trong số đó là các công ty nhỏ và vừa, không có đủ vốn để đầu tư. Do đó, Chính phủ cần ban hành các chính sách mới để giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, chính sách tín dụng và các thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp họ tiếp cận vay vốn dễ dàng hơn để cải tiến công nghệ. Ông Cang cũng cho rằng các trường học, bệnh viện và người dân cũng cần phải có thông tin tốt hơn về bảo vệ môi trường, và Việt Nam cần học hỏi từ các nước khác trong đó có EU.
Trong một hội thảo với Eurocham gần đây, ông Tất Thành Cang cũng cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nghiên cứu danh mục hàng hóa và dịch vụ môi trường của nhiều nước, từ đó xây dựng phương án đối với danh mục này. Đồng thời Thành phố cũng đưa ra quan điểm của mình về môi trường, ủng hộ các xu hướng áp dụng các biện pháp môi trường trong thương mại nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm tiêu hao năng lượng, giảm cường độ phát thải nhà kính cho một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tạo mọi điều kiện khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường vào sản xuất. Ban hành 6 chương trình đột phá để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh: chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chương trình giảm ùn tắc giao thông, chương trình giảm ô nhiễm môi trường, chương trình cải cách hành chính, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chương trình giảm ngập nước.
Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU đã đạt được về thuế quan và các quy định về thương mại và phát triển bền vững, bao gồm các cam kết với các tiêu chuẩn chính trong công ước của Tổ chức Lao động quốc tế cũng như các hiệp định môi trường đa phương.
Hiệp định cũng đưa ra Phụ lục về Công nghệ xanh (Green Tech), thúc đẩy thương mại và đầu tư về sản xuất năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch không tái tạo và bền vững. Theo đó, mức thuế sẽ được cắt giảm hoặc bỏ cho các sản phẩm có liên quan cho khu vực này. Ngoài ra, tất cả các bên liên quan sẽ phải tập trung các cơ chế pháp lý để điều tiết trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, sinh khối). Thương mại trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ có lợi cho tất cả các nước trong FTA, và quy định rõ ràng sẽ cung cấp cơ hội kinh doanh tốt hơn và tăng niềm tin của nhà đầu tư.
Theo Tạp chí tài chính