Thursday, 14/11/2024 | 22:43 GMT+7
Từ ngày 1-9, Thông tư số 23/2015/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Thông tư quy định về trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT trên lãnh thổ Việt Nam; áp dụng với các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến việc đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện theo hình thức hợp đồng BOT.
Hợp đồng BOT là hợp đồng được ký giữa Bộ Công Thương và chủ đầu tư BOT để xây dựng nhà máy nhiệt điện trên lãnh thổ Việt Nam; sau khi hoàn thành nhà máy, chủ đầu tư được quyền kinh doanh nhà máy trong một thời gian nhất định; hết thời hạn, chủ đầu tư chuyển giao cho Bộ Công Thương.
Tổng cục Năng lượng sẽ phối hợp với Chủ đầu tư BOT giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thu xếp tài chính. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ đầu tư BOT phải thành lập Doanh nghiệp BOT và có trách nhiệm hoàn chỉnh các nội dung cần bổ sung nêu trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để ký chính thức các tài liệu dự án.
Việc lựa chọn chủ đầu tư BOT thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký kết thỏa thuận đầu tư, Chủ đầu tư BOT phải trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Các dự án đã và đang triển khai trước ngày 01/9/2015 được thực hiện theo quy định tại Điều 72 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Các Biên bản ghi nhớ phát triển dự án BOT nhà máy nhiệt điện giữa Chủ đầu tư và Bộ Công Thương (MOU), các Hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa Tổng cục Năng lượng với Chủ đầu tư BOT (PA) trước ngày 01/9/2015 không phải ký lại theo quy định của Thông tư này.
Chi tiết thông tư xem tại đây.
Thanh Xuân