Friday, 20/09/2024 | 23:39 GMT+7

Sử dụng hiệu quả các các nguồn năng lượng tái tạo

25/01/2016

Năng lượng hiện đang là vấn đề nóng được các quốc gia trên thế giới quan tâm vì đây là yếu tố không thể thiếu trong tất cả các ngành của nền kinh tế hiện đại.

Thách thức của thế kỷ 21 đối với các quốc gia chính là việc làm sao để đáp ứng một cách bền vững những nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng. Việt Nam sẽ làm cách nào để sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo - năng lượng xanh một cách hiệu quả?

Tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam tăng nhanh trong vòng 10 năm qua, với mức sử dụng than tăng khoảng 16%/năm, tiêu thụ điện tăng hơn 15%/năm và sử dụng sản phẩm dầu tăng 8,7%/năm. Hiện nay, lượng khí thiên nhiên đang đóng góp 23% và than đóng góp 18% cho sản xuất điện. Theo dự báo, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm tới, với mức tăng trung bình là 12%/năm. Tuy nhiên, nguồn cung cấp năng lượng nội địa sẽ không thể duy trì tăng được và theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam sẽ từ nước xuất khẩu năng lượng trở thành nước nhập khẩu năng lượng vào năm 2015. Trong khi đó, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia kỳ vọng sẽ giữ mức nhập khẩu năng lượng dưới 3% mức tổng tiêu thụ vào năm 2020 và dự báo điện hạt nhân sẽ tăng từ 0% hiện nay lên 2,1% tổng cung điện năng năm 2020 (và từ 15-20% tới năm 2050). 

Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hoá thạch nội địa ngày càng cạn kiệt, giá dầu thế giới tăng cao, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn và trở thành một thách thức lớn. Việc khai thác hiệu quả hơn nguồn năng lượng tái tạo sạch càng có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo sạch khá dồi dào như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối như năng lượng mặt trời, nước ta mỗi năm có khoảng từ 2.000 - 2.500 giờ nắng, với mức chiếu nắng trung bình khoảng 150 kCal/cm2, tương đương với khoảng 44 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Trong khi đó, năng lượng gió có thể đạt công suất phát điện khoảng 800 - 1.400 kwh/m2/năm trên đất liền, từ 500 - 1.000 kwh/m2/năm tại các khu vực gần bờ biển. Ở Tây Nguyên và các khu vực khác, nặng lượng gió đạt công suất dưới 500 kwh/m2/năm. Năng lượng sinh khối quy đổi đạt khoảng từ 43 - 46 triệu tấn dầu, trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp. 

Đã từ lâu, Nhà nước ta đã quan tâm đến việc phát triển năng lượng, kể cả năng lượng truyền thống như điện than, điện diezen và các loại điện mới khác, nhưng vì nhiều lý do, còn nhiều dạng năng lượng chưa được khai thác một cách hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là tính kinh tế của các nguồn năng lượng này chưa thực sự hấp dẫn. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện, cơ sở dữ liệu, trình độ áp dụng công nghệ liên quan cũng chưa đầy đủ. Điều này sẽ làm hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Theo Các chuyên gia, tiềm năng sản xuất điện từ các dạng năng lượng tái tạo mặc dù khả quan, nhưng giá thành lại đắt hơn so với điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu hoá thạch; kỹ thuật lại phức tạp, hiệu suất chưa cao, nên chưa thu hút để các nhà đầu tư phát triển nhanh các loại năng lượng mới.

Tại các nước, việc sử dụng năng lượng tái tạo phát triển mạnh và trên thế giới hiện nay, các dự án lớn từ việc nghiên cứu đến ứng dụng đều có sự tài trợ và tham gia của Nhà nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ngân sách dành cho đầu tư năng lượng tái tạo sạch còn rất hạn chế, chính là cản trở lớn nhất để loại hình năng lượng này có thể đi vào cuộc sống và phát triển. Việc sớm có chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các nhà đầu tư có thể triển khai các dự án khai thác có tiềm năng ở nước ta, đặc biệt là hàng loạt dự án điện gió tại các tỉnh Nam Trung bộ, các dự án tại hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cũng phát đi tín hiệu và quan điểm khuyến khích, gia tăng tỷ trọng khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo trong yêu cầu cân bằng năng lượng quốc gia, phát triển bền vững hiện nay. Để làm được điều này, những chính sách đặc biệt về vốn, thuế, giá điện... sẽ tạo đà, để có thể phát triển nhanh các loại năng lượng mới ở Việt Nam.

Theo ipsi.org.vn

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện