Saturday, 23/11/2024 | 01:53 GMT+7
Giờ học của sinh viên ngành điện hạt nhân Đại học Điện lực với giảng viên Nhật Bản.
Bắt đầu từ năm 2010, mỗi năm, Mitsubishi đều cử chuyên gia sang giảng dạy tại Việt Nam. Cho tới nay, dự án đã đào tạo được khoảng 400 sinh viên thuộc ngành điện hạt nhân.
Sinh viên Hà Thị Loan, Đại học Điện lực nói: “Mình cảm thấy bài giảng của các thầy đều được chọn lựa dựa trên kinh nghiệm của chính các thầy, các thầy cũng đưa ra nhiều ví dụ, các mô hình cũng rõ ràng nên rất dễ hiểu”.
Ông Sumio Fuji, Trưởng phòng Kỹ thuật và vận hành năng lượng hạt nhân, Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi (Nhật Bản) chia sẻ: “Đối với các sinh viên, tôi tập trung vào những kiến thức cơ bản. Ví dụ như với mô hình một chiếc máy bay, tôi sẽ giảng cho các em cách chế tạo và những cách có thể cải tiến chiếc máy bay đó. Tương tự, tôi sẽ truyền dạy những kiến thức nền tảng về điện hạt nhân để sau này các em có thể dựa vào đó và phát triển, mở rộng hơn nữa”.
Ngoài Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi, trường Đại học Điện lực còn hợp tác với công ty Hitachi trong đào tạo sinh viên về lò phản ứng nước sôi. Trong khuôn khổ các dự án hợp tác, sinh viên còn có cơ hội tham quan các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản hay nhận học bỗng hỗ trợ.
Bà Đỗ Thị Nguyệt Minh, Trưởng bộ môn Điện hạt nhân, trường Đại học Điện lực cho biết: “Các chuyên gia đã có kinh nghiệm lâu năm làm việc trong ngành điện hạt nhân, nên kiến thức mà họ mang tới cho sinh viên rất bổ ích, không phải chỉ kiến thức hàn lâm, mà còn cả kiến thức thực tế. Kết quả có thể thấy, sinh viên sẽ tiếp thu được những kiến thức về điện hạt nhân rất cơ bản. Thêm nữa, khi sinh viên có cơ hội tiếp xúc với giảng viên nước ngoài thì các em sẽ tự tin hơn trong công việc sau này”.
Nhu cầu nhân lực từ quản lý, xây dựng, tới vận hành và bảo trì cho một nhà máy điện hạt nhân là rất lớn. Để chuẩn bị cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, Việt Nam cũng đã cử cán bộ đi đào tạo tại các khóa học ngắn hạn ở các quốc gia có kinh nghiệm và công nghệ hạt nhân tiên tiến như Pháp, Nhật, Nga… Đây được coi là lực lượng chủ chốt trong công tác quản lý, vận hành khi nhà máy điện hạt nhân đi vào hoạt động.
Hà Nguyễn (Theo VTV)