Wednesday, 22/01/2025 | 23:57 GMT+7
Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Bản dự thảo này đã được Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đưa ra bàn bạc hôm qua, 11-5.
Tại cuộc họp xem xét về cơ chế hỗ trợ cho dự án điện mặt trời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng mặt trời, có thể giúp giải bài toán về cân bằng cung cầu điện vào giờ cao điểm ban ngày.
Từ năm 2004, Luật điên lực đã có chính sách ưu tiên phát triển về lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng hiện chưa thiết lập được cơ chế tài chính để khuyến khích, thúc đẩy phát triển các dự án loại này. Do vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương sớm đưa vào quy hoạch những khu vực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tránh xung đột với các quy hoạch khác.
Bộ Công Thương cho biết sẽ hoàn chỉnh dự thảo trên cơ sở xây dựng định mức hỗ trợ giá điện đối với đầu tư xây dựng công trình điện mặt trời nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Đến năm 2020. Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng lớn. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ nhập khẩu điện từ Trung Quốc theo các hiệp định ký sẵn trong các năm trước, lượng nhập khẩu nhiều hơn vào mùa khô. Tuy nhiên, Tổng sơ đồ điện VII mới chỉ quy hoạch tăng tỉ lệ sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo từ mức 5,6% (2020) lên mức 9,4% (2030), là một tỷ lệ rất thấp.
Trong tổng số 1.300 MW điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện có đang được khai thác, sản xuất thì chưa có dự án điện mặt trời nào. Một vài dự án nhỏ lẻ được triển khai ở dạng dự án thí điểm, không nối lưới, chưa có dự án thương mại do trở ngại về giá thành, suất đầu tư lớn và chưa có cơ chế riêng về giá bán lẻ điện để thu hút đầu tư.
Một loại dự án năng lượng sạch tương tự là dự án điện gió đã hoàn chỉnh việc xây dựng cơ chế chính sách. Theo đó, nhà nước bao tiêu toàn bộ sản lượng điện tại các dự án điện gió sản xuất ra, có cơ chế giá riêng và phần bù giá Nhà nước trả thông qua EVN. Tuy nhiên, cũng vì suất đầu tư quá lớn và đầu ra điện gió hòa lưới điện quốc gia thường chốt số liệu, bù giá sau với cơ chế tài chính chậm trễ nên các nhà đầu tư vào dự án điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung còn rất e dè.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển điện mặt trời với tổng số giờ nắng trong năm là từ 1.400 đến 3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình khoảng 230-250kcal/cm2, chủ yếu tập trung ở miền Nam.
Theo thesaigontimes.vn