Friday, 08/11/2024 | 20:05 GMT+7
Điện địa nhiệt có thể trở thành một sự lựa chọn trong phát triển năng lượng sạch nhằm đảm bảo an ninh năng lượng tại khu vực Mỹ Latinh. Đây là đánh giá được đưa ra trong một nghiên cứu mới đây của Chương trình Hỗ trợ quản lý lĩnh vực năng lượng (Esmap) của Ngân hàng Thế giới (WB).
Nghiên cứu trên cho biết WB nhận định năng lượng địa nhiệt tạo ra nguồn điện năng thân thiện với môi trường và chi phí rẻ hơn so với sử dụng nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá để sản xuất điện. Hơn nữa, là một nguồn năng lượng tái tạo, điện địa nhiệt giúp cải thiện và đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Tuy nhiên, theo WB, việc phát triển điện địa nhiệt vấp phải những khó khăn về chi phí đầu tư ban đầu. Theo tính toán, chi phí ban đầu cho thăm dò và khoan từ 3 tới 5 giếng địa nhiệt vào khoảng 20 - 30 triệu USD. Ngoài ra, việc xác nhận và kiểm chứng nguồn địa nhiệt cũng phải mất từ 2 - 3 năm và cần thêm từ 3 - 5 năm nữa để tiến hành khoan giếng nhằm đảm bảo việc cung cấp hơi nước và xây dựng nhà máy.
Hiện khu vực công là nhà đầu tư lớn nhất cho phát triển địa nhiệt do đủ khả năng chấp nhận rủi ro. Theo thống kê, có tới 9 nhà máy địa nhiệt tại Mỹ Latinh được xây dựng từ nguồn vốn chính phủ, trong khi chỉ có 5 nhà máy khác được huy động theo hình thức công - tư kết hợp.
Esmap đang triển khai Chương trình Toàn cầu về phát triển địa nhiệt nhằm huy động các nguồn vốn cho đầu tư ban đầu và tính tới thời điểm hiện tại đã huy động được 235 triệu USD, trong đó 162,3 triệu USD dành cho các dự án tại Mỹ Latinh và Caribe.
Nằm trong Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, Mỹ Latinh luôn phải đối diện nguy cơ thảm họa từ hàng trăm ngọn núi lửa đang trong thời kỳ hoạt động, song đây cũng đồng thời là nguồn năng lượng địa nhiệt đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác nhiều của khu vực này. Hiệp hội Năng lượng địa nhiệt quốc tế khẳng định đây là nguồn năng lượng có khối lượng phát thải khí gây nhà kính thấp nhất khi sản xuất 1 kilowatt điện năng. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mexico, trung bình mỗi ngọn núi lửa đang hoạt động có tiềm năng sản xuất được 1 gigawatt điện.
Một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này là Mexico, nước từng xây dựng nhà máy điện địa nhiệt đầu tiên tại Mỹ Latinh vào năm 1970 và hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng điện địa nhiệt, với 839 megawatt. Mexico đặt chỉ tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo ở mức 18% hiện tại lên mức 35% vào năm 2024, trong đó bao gồm kế hoạch khai thác triệt để hơn 25 ngọn núi lửa đang hoạt động đã được thống kê cho tới nay.
Tiếp đến là Costa Rica, nước hiện đứng thứ 7 thế giới về sản lượng điện địa nhiệt. Trong năm 2015, có tới 96% lượng điện mà quốc gia Trung Mỹ với 5 triệu dân này sản xuất là từ các nguồn năng lượng sạch, bao gồm 83% là thủy điện và 13% là điện địa nhiệt. Ngoài ra, các quốc gia Mỹ Latinh khác cũng có tiềm năng điện địa nhiệt to lớn là Chile, Bolivia, Argentina, Colombia, Ecuador và Nicaragua.
Với Chile, năm 2017, nước này định mở mỏ địa nhiệt đầu tiên ở cao nguyên Andean. Với tổng vốn đầu tư là 320 triệu USD, nhà máy điện địa nhiệt Cerro Pabellon sẽ trở thành nhà tiên phong ở Nam Mỹ với công suất lắp đặt là 48 mW. Khi vận hành, nhà máy có thể tạo ra lượng điện đủ cho 154.000 hộ gia đình/năm.
Theo http://baotintuc.vn