Wednesday, 22/01/2025 | 17:45 GMT+7
Việc sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần bảo đảm sự hài hòa, vừa thu hút đầu tư, vừa giảm thiểu những phát sinh đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình thực hiện.
Những thách thức
Về mặt quy hoạch đất, theo tính toán của các chuyên gia, để đầu tư 1MW điện mặt trời cần tới 1- 1,5 ha đất sạch (điện gió là 2ha/1MW). Trong khi đó, các tỉnh miền Trung và miền Nam bị hạn chế về đất. Chúng ta không thể phá rừng, hay chuyển đổi đất nông nghiệp để làm dự án điện mặt trời. Đó là chưa kể đến những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bà Trần Thị Thu Trà- chuyên viên Ban quản lý đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- cho biết, khi công suất điện mặt trời lớn sẽ gặp không ít khó khăn về kỹ thuật. Điện mặt trời lên/xuống gần như tức thời, không ổn định, nên rất khó khăn cho việc vận hành hệ thống, phải luôn duy trì một lượng công suất dự phòng lớn để bù đắp sự thiếu hụt. Ngoài ra, khi nối lưới điện cần thêm một thiết bị inverter chuyển đổi từ điện một chiều sang điện hai chiều và ngược lại. Điều này có thể ảnh hưởng tới lưới điện và khách hàng sử dụng điện do tăng dòng ngắn mạch, dao động điện áp ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị.
Theo ông Nguyễn Trọng Oánh – Tổng giám đốc Công ty CP Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, hầu hết các nhà đầu tư đều tính đến vấn đề lợi nhuận, nếu giá bán điện mặt trời cao, họ sẵn sàng đầu tư. Tuy nhiên, nếu để giá mua điện quá cao sẽ gây áp lực lên giá bán điện bình quân. Mặt khác, giá cao cũng ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước khi nguồn lực còn hạn chế so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Giải pháp nào hiệu quả?
Các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng công suất các nguồn điện quốc gia nhưng với lợi ích thiết thực thì sự đầu tư điện mặt trời là cần thiết. Vấn đề là tìm ra giải pháp thực hiện có hiệu quả để điện mặt trời phát triển đúng hướng, đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Về quy hoạch, trước hết, các cơ quan quản lý cần phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá đúng tiềm năng về điện mặt trời, quy hoạch sử dụng đất dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để xây dựng quy hoạch cụ thể, cũng như dự án thu hút đầu tư.
Để tiết kiệm quỹ đất, cũng như tránh khó khăn về đền bù, giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Trọng Oánh đề xuất: Có thể tận dụng diện tích mặt các hồ thủy điện, thủy lợi để phát triển mặt trời nhưng với điều kiện các hồ đó không có dao động lớn về mực nước, không bị ảnh hưởng bởi gió, bão, lũ. Trong khi đó, một số ý kiến đề xuất phương án phối kết hợp với các dự án điện gió để gắn tấm Panel.
Về cơ chế hỗ trợ, cần căn cứ đối tượng đầu tư để tính toán xây dựng cơ chế. Theo đó, đối với dự án quy mô lớn, sử dụng đất nhiều, chỉ hỗ trợ trong một thời gian nhất định, sau đó thực hiện theo cơ chế thị trường, để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng cho các nhà đầu tư. Những dự án điện mặt trời nối lưới quy mô nhỏ do các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư nên có chính sách riêng, bảo đảm thu hồi vốn đầu tư nhanh nhất và có lợi nhuận hợp lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc sớm ban hành các cơ chế chính sách về điện mặt trời, cần tăng cường công tác nghiên cứu phát triển công nghệ, giảm chi phí đầu tư; thẩm định năng lực của các nhà đầu tư để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án.
Theo http://vfpress.vn