Friday, 08/11/2024 | 17:42 GMT+7
Ngày 29/01, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự báo mới nhất về sự phát triển sản xuất và tiêu thụ năng lượng tại Hoa Kỳ từ nay đến năm 2050.
Theo báo cáo triển vọng năng lượng của EIA, mức tiêu thụ năng lượng của Mỹ có thể tăng trung bình 0,3% mỗi năm từ nay đến năm 2050. Mức tăng trưởng này, so với mức tăng 1,9% GDP hằng năm dự kiến trong giai đoạn này, được cho là nhờ những cải tiến liên tục về hiệu quả năng lượng trong tất cả các lĩnh vực.
Nhu cầu về điện của Hoa Kỳ có thể tăng khoảng 1% mỗi năm trong giai đoạn 2019 đến 2050. Sự tiến bộ của các thiết bị tiêu thụ năng lượng (đặc biệt là các thiết bị sưởi ấm và thông gió) sẽ hạn chế mức tăng tiêu thụ điện.
EIA dự báo sản xuất dầu khí tại Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ tới giữa những năm 2020. Về lâu dài, EIA dự đoán sản xuất dầu thô của Hoa Kỳ sẽ ổn định tương đối, khoảng 14 triệu thùng mỗi ngày từ năm 2022 đến 2045 và sản xuất khí đốt tiếp tục tăng trưởng.
Theo EIA, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản lượng điện của Hoa Kỳ có thể đạt 38% vào năm 2050, hoặc gấp đôi mức của năm 2019 (chiếm 19% tổng sản lượng điện). Năng lượng mặt trời sẽ là yếu tố tăng trưởng chính trong các lĩnh vực này, chiếm 46% sản lượng điện từ các nguồn tái tạo vào năm 2050.
Sản lượng chung của ngành năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ sẽ vượt quá sản lượng của các nhà máy điện chạy bằng khí vào giữa thứ thế kỷ XXI. Than, mặc dù giảm mạnh cho đến giữa những năm 2020, nhưng sau đó sẽ ổn định cho đến năm 2050.
Theo dự báo của EIA, các nguồn cung cấp điện của Hoa Kỳ vào năm 2050 sẽ bao gồm: 38% năng lượng tái tạo, 36% điện sản xuất từ khí tự nhiên, 13% từ than đá và 12% từ năng lượng hạt nhân.
EIA dự báo lượng phát thải CO2 giảm nhẹ cho đến khoảng năm 2030 nhờ việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, nhưng sau đó trong dài hạn lại tăng chậm do mức tiêu thụ năng lượng tăng.
Vào năm 2050, lượng phát thải CO2 của Hoa Kỳ sẽ thấp hơn 4% so với mức của năm 2019, theo EIA.
EIA cho rằng tăng trưởng kinh tế là yếu tố chính dẫn đến mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2.
Ngọc Diệp (Theo Ars Technica)