Friday, 08/11/2024 | 06:37 GMT+7
Phương tiện giao thông quá date: nguyên nhân gây ô nhiễm không khí và lãng phí nhiên liệu.
Di chuyển trên những con phố Hà Nội, không quá khó để bắt gặp cảnh những dòng xe nối đuôi nhau hối hả kéo theo sau là cột khói đen. Ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn tại những đô thị Việt Nam. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra tình trạng này đến từ thói quen sử dụng phương tiện quá niên hạn sử dụng của người tiêu dùng.
Tại Diễn đàn “Sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông" diễn ra vào đầu tháng 2 vừa qua tại Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hội kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam, cho biết tình trạng lãng phí nhiên liệu xảy ra đồng thời với ô nhiễm môi trường xảy ra khá phổ biến tại các đô thị Việt nam. Hầu hết các loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành không có bộ kiểm soát khí thải; cộng thêm người tiêu dùng chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ là những nguyên nhân cộng hưởng gây tăng lượng khí phát thải với mức độ độc hại cao.
“Đặc biệt, nhiều phương tiện đã hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông, gây lãng phí năng lượng, ảnh hưởng lớn tới an toàn đường bộ nói chung, và làm trầm trọng tình trạng ô nhiễm không khí của các đô thị”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.
Từ thực trạng của hệ thống giao thông ở Việt Nam và kinh nghiệm giảm phát thải của một số quốc gia trên thế giới, các chuyên gia cho rằng, ngành giao thông vận tải cần triển khai những giải pháp như quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả phát triển kinh tế giao thông
Cũng tại Diễn đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường – Bộ Giao thông Vận tải ông Nguyễn Hữu Tiến, cho rằng phát triển vận tải tiết kiệm nhiên liệu thời gian qua đã được lồng ghép, thúc đẩy trong chính sách phát triển của ngành giao thông vận tải và đã đem lại một số kết quả tích cực.
Cụ thể, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và tổ chức triển khai thực hiện nhằm thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường.
Song song với kiểm soát ngày càng chặt khí thải đường bộ, mức tiêu chuẩn khí thải cũng sẽ được xây dựng theo hướng ngày càng nâng cao.
Các chuyên gia đề xuất ngành cần lồng ghép việc giảm nhẹ khí phát thải nhà kính vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển giao thông vận tải. Cùng với đó, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo đó, các giải pháp như phổ biến thông tin về các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, như hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch. Đồng thời tiến tới xanh hóa hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm môi trường.
Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, cần ưu tiên phát triển phương tiện vận tải hàng hóa khối lượng lớn, ít tiêu tốn nhiên liệu như đường sắt, đường thủy tiến tới hình thành một số doanh nghiệp vận tải hàng hoá đa phương thức có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải hoàn chỉnh đường bộ – đường sắt – đường biển, hoặc đường bộ – đường thuỷ – đường biển.
Đối với mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngành giao thông vận tải đã và đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng quy chuẩn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với một số loại phương tiện vận tải, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật; đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
“Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu; từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy; phối hợp với các địa phương thúc đẩy việc chuyển đổi xe buýt, taxi tại các thành phố sang sử dụng CNG, LPG; kết hợp các nguồn lực tổ chức nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách, lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng sạch tái tạo góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường”, ông Tiến chỉ rõ.
Hương Giang t/h