Friday, 08/11/2024 | 06:31 GMT+7

Tận dụng hạ tầng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp

03/09/2021

Tận dụng lợi thế của nguồn năng lượng phân tán, nhiều doanh nghiệp FDI, tập đoàn sản xuất lớn trong khu công nghiệp đã triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhằm phục vụ cho nhu cầu kinh doanh và sản xuất.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ. Phần giá điện sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế để tận dụng tốt, hài hoà với việc mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn.
Đó là khẳng định của ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo Bộ Công Thương tại Tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt”, chiều 30/8.
Doanh nghiệp chờ giá FIT 3
Phát biểu tại toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong vài năm qua, nhờ cơ chế khuyến khích theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 06/4/2020, lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc. Bên cạnh các nhà máy điện mặt trời, thì mô hình ĐMTMN cũng phát triển khá nhanh chóng.
Phó Chủ tịch VCCI dẫn chứng, số liệu từ EVN cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, trên cả nước có khoảng 101.029 công trình ĐMTMN đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296MWp và tổng sản lượng phát lên lưới từ ĐMTMN luỹ kế đến nay đạt hơn đạt 1,15 tỷ MWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Tận dụng lợi thế của nguồn năng lượng phân tán, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI, tập đoàn sản xuất lớn trong khu công nghiệp (KCN) đã triển khai lắp đặt ĐMTMN nhằm phục vụ cho nhu cầu kinh doanh và sản xuất.
Đánh giá về những thuận lợi trong quá trình lắp đặt hệ thống ĐMTMN, ông Nguyễn Văn Thông - Giám đốc phát triển Dự án CTCP VNG cho biết, cuối tháng 9/2019, DN đã hoàn thành lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái tòa nhà có công suất thiết kế 620.73kwp và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2019. Thực tế năm đầu tiên đi vào hoạt động đã đạt sản lương 859.039 kwh, đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu sản lượng điện cần cho tòa nhà.
Tọa đàm trực tuyến thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham dự
Ông Nguyễn Văn Thông nêu cụ thể, ngoài việc hệ thống đã giúp giảm chi phí tiền điện tương ứng với sản lượng điện sinh ra cung cấp cho tòa nhà - lượng điện sinh ra là khoảng 859.039 kwh tương đương 1,5 tỷ đồng, việc sử dụng năng lượng xanh cũng là cơ hội lớn cho các DN xin cấp chứng chỉ xanh như LEED, LOTUS hay EDGE.. Đây cũng là tiêu chí hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của DN.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại cho DN, ông Nguyễn Văn Thông cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai. Đối với sản lượng điện sau khi cung cấp cho chính nhu cầu, về phần dư, phía điện lực yêu cầu công ty phải đăng ký ngành nghề sản xuất điện, sau đó công ty xuất hóa đơn thì điện lực mới đồng ý thanh toán. Nhưng hiện DN lại gặp khó khăn trong việc đăng ký bổ sung ngành nghề. Ngoài ra, báo cáo tác động môi trường (ĐTM) cũng đang khiến nhiều DN lúng túng.
Chia sẻ về tình trạng áp dụng ĐMTMN tại các KCN trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, ông Phạm Trọng Quý Châu - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Năng lượng tái tạo, Hiệp hội các DN KCN TP.Hồ Chí Minh (HBA) cho hay, vào tháng 6/2020, HBA chính thức phát động Chương trình phát triển ĐMTMN tại các khu chế xuất, KCN và khu công nghệ cao (KCX-KCN-KCNC) trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Kết thúc năm 2020, đã có tổng cộng 118 công trình được đầu tư lắp đặt mới với tổng công suất trên 76MWp, trong đó có những công trình lớn trên 8MWp được lắp đặt trên mái của cùng một nhà máy cũng như có DN mạnh dạn đầu tư đến gần 15MWp trên mái của hệ thống kho bãi trong 04 KCN khác nhau đều ở TP.Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, song song các yếu tố tích cực đó, vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do các chính sách, thủ tục liên quan không theo kịp với tốc độ phát triển bùng nổ của thị trường ĐMTMN, khiến cho nhà đầu tư khá lo lắng, quan ngại.
“Ngoài khó khăn mà DN đã nêu trên, đến thời điểm hiện tại, dù đã trải qua 9 tháng kể từ khi chính sách giá FIT 2 hết thời hạn áp dụng, khi mà hầu hết các hệ thống ĐMTMN đều đã vận hành ổn định thì những khó khăn, vướng mắc vẫn tồn tại và cần tiếp tục được kiến nghị, xem xét, giải quyết bởi các Bộ ngành có liên quan”, ông Châu nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chính phủ chưa ban hành quyết định FIT 3 quy định mức giá mua điện mới từ hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà. Bộ Công Thương và EVN chưa có hướng dẫn tiếp theo về thủ tục xin và chấp thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện, thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Tạo cơ chế khích lệ nhà đầu tư
Bàn về vấn đề cơ chế, chính sách hiện nay, về phía Bộ Công Thương, ông Phạm Nguyên Hùng cho hay, Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ có vai trò, động lực quan trọng trong việc phát triển ĐMTMN. Hiện nay Bộ Công Thương đang kiến nghị các cơ chế chính sách tiếp tục phát triển điện năng lượng tái tạo nói chung và trong đó có điện mặt trời mái nhà nói riêng, tiếp tục khai thác các loại hình năng lượng sạch này.
Chính sách sẽ làm rõ, khích lệ nhà đầu tư khai thác triệt để nguồn hạ tầng và tận dụng được lưới điện phân phối có sẵn và không hạn chế công suất là 1 MW, mà có thể từ 2, 3 MW hoặc lớn hơn. Bên cạnh đó, việc đầu tư điện áp mái nếu đấu nối vào lưới điện của EVN thì phải có thoả thuận.
“Các chính sách thúc đẩy phát triển ĐMTMN trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt ĐMTMN và phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ. Phần chênh lệch đó có thể bán cho lưới điện thì phần giá điện chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao có cơ chế để tận dụng tốt, hài hoà với việc mua điện của EVN hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn” – ông Hùng chia sẻ.
Đối với việc áp dụng cơ chế hỗ trợ cho ĐMTMN và giá FIT 3, ông Hùng cho biết, về giá FIT, Bộ Công Thương đang xây dựng quy định. Ngoài đảm bảo nhu cầu của chính nhà đầu tư thì đảm bảo nguyên lý phân tán không phải lên lưới EVN tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Giá bán sẽ không cố định và nếu có sẽ cho bán điện dư với giá bán theo khung giá khác. Bộ Công Thương đang nghiên cứu khung giá này và sẽ ban hành khung giá hàng năm, sẽ không đi theo cơ chế bù trừ trong năm.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho hay, Chính phủ chưa có chính sách mua điện với các dự án ĐMTMN sử dụng cho các KCN, do đó vẫn đang chờ hướng dẫn. Bên cạnh đó, EVN luôn công khai minh bạch với các nhà đầu tư. Các thủ tục đều được hướng dẫn chi tiết đầy đủ và giải quyết nhanh chóng liên quan tới thoả thuận đấu nối. Tập đoàn sẵn sàng hỗ trợ đấu nối cho các nhà đầu tư.
 Theo: Báo Công Thương