Saturday, 23/11/2024 | 02:56 GMT+7
Scottish Water, công ty chuyên cung cấp nước sạch và xử lý nước thải của Scotland đã lắp đặt 1.000 tấm pin mặt trời tại cơ sở xử lý nước thải lớn của công ty ở Scotland.
Dự án được kỳ vọng sẽ sản xuất ra 0,2 GWh điện mỗi năm, đáp ứng 25% nhu cầu sử dụng điện của cơ sở xử lý nước Marchbank, cung cấp nước cho khoảng 68.000 hộ gia đình ở Edinburgh và West Lothian.
Hiện nay, nhà máy xử lý nước thải này sản xuất ra khoảng 40 triệu lít nước mỗi năm, đủ để đổ đầy 16 bể bơi Olympic.
Dự án này là một phần phần nỗ lực của Scottish Water trong việc cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ cũng như cắt giảm chi phí năng lượng.
Công ty Scottish Water tuyên bố đã cắt giảm được hơn 5% lượng điện năng tiêu thụ trong vòng 5 năm qua và khoảng 18% lượng khí thải nhà kính từ năm 2006 cho đến nay.
Đồng thời, công ty đã tăng gấp 2 lần sản lượng điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo mà các nhà máy xử lý nước thải và đường ống dẫn nước tiêu thụ, lên đến hơn 50 GWh điện. Năng lượng mặt trời, gió và hydro là những nguồn năng lượng tái tạo được tận dụng để sản xuất ra lượng điện năng này.
Ông Chris Toop, tổng giám đốc chương trình năng lượng của công ty Scottish Water cho biết: "Mỗi ngày, công ty Scottish Water chúng tôi cung cấp cho khách hàng 1,34 tỷ lít nước uống và sau đó xử lý hơn 840 triệu lít nước thải. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi cần đến 440 GWh điện hàng năm, nhiều hơn lượng điện năng mà toàn bộ người dân vùng West Lothian tiêu thụ".
"Cũng như khách hàng của mình, công ty Scottish Water chúng tôi hiểu rằng điện có thể được bán với giá cao. Đó là lý do vì sao Scottish Water nỗ lực cắt giảm tối đa việc mua điện. Và chúng tôi cũng rất tự hào khi những tấm pin mặt trời mà chúng tôi lắp đặt có thể giúp chúng tôi cắt giảm lượng điện năng tiêu thụ. Như vậy, chúng tôi có thể duy trì được mức giá dịch vụ thấp cho khách hàng".
Tháng trước, phóng viên báo điện tử Energy Live News đã được thăm quan hệ thống pin mặt trời nổi lớn nhất châu Âu tại Luân Đôn. Hệ thống này hiện đang cung cấp điện cho nhà máy xử lý nước thải của công ty Thames Water ở Hampton.
Ngọc Diệp (Theo Energy Live News)