Wednesday, 22/01/2025 | 21:05 GMT+7

Nhiều giải pháp tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp

30/11/2024

Từ ngày 11/10/2024, giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng 4,8% so với trước có tác động không nhỏ đến hoạt động của nhiều hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Để thích ứng, các HTX và người dân đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm điện, điều tiết sản xuất thích hợp, hiệu quả.

Có mặt tại trang trại chăn nuôi, ấp nở gà giống của gia đình anh Vũ Hiền Phú, ở xóm Hải Ninh, xã Tân Kim (Phú Bình), chúng tôi thấy cơ sở sử dụng nhiều thiết bị điện để phục vụ sản xuất. Trang trại có 3 chuồng nuôi khép kín, với hệ thống quạt gió, máy cho gà ăn và uống nước tự động. Khu ấp nở gà giống có 10 lò, hoạt động liên tục 24/24 giờ. Với số lượng máy móc như trên, trung bình mỗi tháng, trang trại tiêu thụ khoảng 14.000kWh điện, với số tiền phải chi trả khoảng 28 triệu đồng.
"Khi giá điện điều chỉnh tăng 4,8%, số tiền điện mà tôi phải trả sẽ tăng thêm khoảng 1,5 triệu đồng so với trước. Để không tăng giá thành sản phẩm, tôi đã cắt giảm những thiết bị không cần thiết, sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm hơn", anh Vũ Hiền Phú cho biết.
Anh Vũ Hiền Phú (ở xóm Hải Ninh, xã Tân Kim, Phú Bình) vận hành máy tự động cho gà ăn.
Còn tại HTX nông sản Phú Lương, ở xã Ôn Lương (Phú Lương), anh Tống Văn Viện, Giám đốc HTX, thông tin: Chúng tôi đang sử dụng 3 tôn sao chè bằng điện, 8 tôn sao chè bằng củi sinh khối, 3 máy hút chân không, 20 máy vò chè, 10 máy dập nhiệt, hệ thống điều hòa kho lạnh cùng nhiều bóng điện khác... Trước đây, khi giá điện chưa tăng, trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 10.000kWh điện, với số tiền phải trả từ 22-25 triệu đồng. Khi giá điện vừa điều chỉnh tăng thêm 4,8%, đồng nghĩa HTX sẽ phải chi trả thêm hơn 1 triệu đồng/tháng. Để tiết kiệm điện năng, chúng tôi đã chuyển từ tôn sao chè bằng điện sang sao chè ở các tôn sao bằng củi sinh khối, đồng thời tắt những thiết bị, bóng điện ở những vị trí không sử dụng đến.
Hợp tác xã nông sản Phú Lương (ở xã Ôn Lương, Phú Lương) đã chuyển từ tôn sao chè bằng điện sang tôn sao chè bằng củi sinh khối để tiết kiệm điện.
Tương tự, HTX chè La Bằng (xã La Bằng, Đại Từ) cũng có phương án giảm bớt chi phí tiền điện khi giá điều chỉnh tăng. Ông Hứa Văn Thịnh, Giám đốc HTX, cho hay: Với thiết bị, máy móc được sử dụng tương đối nhiều, trung bình mỗi tháng, HTX phải trả từ 8-10 triệu đồng tiền điện. Chúng tôi đã tìm hiểu và dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trong thời gian tới để tiết kiệm tối đa chi phí điện năng trong sản xuất.
Có thể thấy, khi giá điện tăng, chi phí tiền điện phải bỏ ra của các HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị. Để có thể “sống” được trong điều kiện giá điện luôn tăng, phương án tăng giá thành sản phẩm là cực chẳng đã.
Chính vì vậy, các HTX, cơ sở sản xuất đã lên kế hoạch tiết kiệm điện năng như: Thay đổi thời gian sử dụng điện, hạn chế sử dụng những thiết bị điện không cần thiết… Ngoài ra, một số đơn vị cũng đã tính toán đến phương án đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để hướng đến mô hình sản xuất bền vững và thích ứng với giá điện tăng. Từ đó hạn chế khó khăn, áp lực trong đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo: Báo Thái Nguyên