Tuesday, 17/09/2024 | 01:57 GMT+7

[EMAGAZINE] Tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp

09/08/2024

SDNL TK&HQ trong doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Các ngành công nghiệp Việt Nam đang chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20 – 30%.


Tiềm năng TKNL trong công nghiệp có thể đạt từ 20 - 30%

Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Trong giai đoạn 2020 - 2023, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Kéo theo đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết: Nhu cầu năng lượng sơ cấp của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm nhưng tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện thì cao hơn nhiều, bình quân là 9,71%/năm trong giai đoạn 2010-2021.

Trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng dự báo vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm, điều này đặt ra thách thức về đảm bảo cân bằng cung cầu năng lượng, đặc biệt là điện năng.

Trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm

Đánh giá về việc sử dụng năng lượng hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt trong các ngành công nghiệp, ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (Enerteam) cho rằng: "Thực trạng việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Đã đến lúc phải chấm dứt việc sử dụng năng lượng lãng phí, phải cải thiện chất lượng "cầu" của năng lượng, phải hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép,… cần phải áp dụng triệt để các giải pháp TKNL để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống".
 
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) đã trở thành quốc sách, được luật hóa và thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019- 2030 (VNEEP 3) đặt mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ, tương đương từ 60 - 80 triệu tấn dầu quy đổi. Các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8% lên tới 24,81% theo ngành/phân ngành.


Cả nước hiện có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, trong đó có 2.596 cơ sở sản xuất công nghiệp, 10 cơ sở sản xuất nông nghiệp và 55 đơn vị vận tải. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, công nghiệp là ngành có mức tiêu thụ năng lượng nhiều nhất trong cơ cấu nền kinh tế. Trong khi đó, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực này có thể đạt từ 20 – 30%. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp TKNL có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện thực hóa mục tiêu TKNL

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Các doanh nghiệp này có mức tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. 

“Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm (theo Chỉ thị  số  20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025) thì hàng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh điện (tương đương tiết kiệm chi phí tiền điện được hơn 3.200 tỷ đồng)”, ông Võ Quang Lâm thông tin.

Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ cần áp dụng các biện pháp hợp lý hoá quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 15 - 30% nguồn năng lượng hiện hữu tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất. Nếu đầu tư công nghệ đồng bộ, tiêu tốn ít điện năng thì khả năng TKNL còn cao hơn nhiều.

Về phía Bộ Công Thương, để hiện thực hóa tiềm năng TKNL trong ngành công nghiệp, Bộ Công Thương tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính bao gồm: Thứ nhất: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về SDNL TK&HQ; Thứ hai: Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về SDNL TK&HQ; Thứ ba: Tăng cường năng lực về SDNL TK&HQ; Thứ tư: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về SDNL TK&HQ; Thứ năm: Xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy TKNL; Thứ sáu: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về SDNL TK&HQ.

Chia sẻ về các nguồn lực quốc tế hỗ trợ Việt Nam trong triển khai các dự án thúc đẩy SDNL TK&HQ,  thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực năng lượng nói chung và TKNL nói riêng. Có thể kế đến như Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình DEEP3). 


“Chính phủ Đan Mạch hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch. Giai đoạn 2020 – 2025 chúng tôi phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các dự án hiệu quả năng lượng. Đây là minh chứng cho sự phối hợp giữa chính phủ và ngành công nghiệp trong việc thúc đẩy SDNL TK&HQ”, ông Jorgen Hvid - Cố vấn về năng lượng dài hạn Chương trình DEEP3 cho biết.


Ngoài ra, Bộ Công Thương đang triển khai các dự án, chương trình hợp tác như: Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn II do USAID tài trợ; Dự án thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA); hay Dự án Thúc đẩy TKNL trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (VSUEE).

Ông Mã Khai Hiền cho rằng, cơ chế thúc đẩy đầu tư TKNL tại Việt Nam cần tiếp cận từ nhiều phía. Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp tuân thủ, thực hiện TKNL.

Cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc chế độ thưởng cho doanh nghiệp đầu tư các giải pháp TKNL. Đầu tư nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan quản lý ở địa phương như các Sở Công Thương, Trung tâm TKNL cũng là giải pháp cần triển khai trước mắt để thúc đẩy công tác quản lý hiệu quả sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm.


Tôn vinh các doanh nghiệp đi đầu

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp đã quan tâm đầu tư các giải pháp TKNL nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính doanh nghiệp. Cùng với đầu tư thay thế thiết bị, công nghệ để giảm trực tiếp nguồn năng lượng đầu vào cho sản xuất, doanh nghiệp còn đặc biệt quan tâm tới các nguồn năng lượng mới và tái tạo như điện mặt trời hay thu hồi nhiệt dư để sản xuất điện…

Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (khu công nghiệp Amata Biên Hòa, Đồng Nai) là một doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực công nghiệp SDNL TK&HQ. Thời gian qua, Công ty đã áp dụng nhiều biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng, giúp giảm 30% chi phí năng lượng cho sản xuất và giảm 35% lượng phát thải khí CO2 mỗi năm.

Ông Nguyễn Phước Hiếu, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty chủ động thực hiện kỹ thuật thu hồi toàn bộ nhiệt phát ra của các nhà máy để phục vụ lại chính hoạt động sản xuất bên trong. Cụ thể, năm 2022 công ty đã thu hồi gần như toàn bộ năng lượng từ khí nóng của lò đốt nhôm cho dây chuyền sơn và hệ thống sấy lá thép, Toshiba lắp đặt hệ thống lấy khi nóng đi trên mái nhà và qua bộ trao đổi nhiệt sử dụng quạt hút khí nóng từ lò nhôm và quạt tuần hoàn nhiệt nên có thể điều chỉnh nhiệt độ mong muốn dễ dàng.

“Nếu trước đây để sấy sản phẩm sau khi sơn phủ và sấy khô dầu trên sản phẩm lá thép đều sử dụng đèn sấy hồng ngoại dùng năng lượng điện, thì đến nay đã sử dụng nguồn nhiệt thải từ lò nấu nhôm để sấy sản phẩm thông qua thiết bị trao đổi nhiệt, giúp giảm lượng điện năng sử dụng và giảm lượng phát thải CO2. Ước tính giải pháp này giúp Công ty tiết kiệm gần 1 tỷ đồng chi phí tiền điện và gần 400 tấn khí thải CO2 mỗi năm”, ông Nguyễn Phước Hiếu thông tin thêm.


Công ty TNHH Sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia đã đạt giải Đặc biệt Giải thưởng "Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2023" do Bộ Công Thương và Hội Khoa học và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức. 

Trong khi đó, Nhà máy xi măng Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là một trong những doanh nghiệp điển hình ứng dụng công nghệ 4.0 để giảm tiêu hao năng lượng. Cụ thể, nhà máy sử dụng hệ thống điện tự động hóa của ABB (Thụy Sỹ) ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, kết nối các công nghệ điện tử, cơ khí, môi trường với nhau. Hệ thống này chỉ tiêu hao điện tối thiểu 90 kWh/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker và được đánh giá là mức tiêu hao thấp của ngành xi măng hiện nay.

Anh Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng phòng Công nghệ Nhà máy xi măng Tân Thắng cho biết: "Định mức 1 tấn clinker tiêu tốn khoảng 60 - 61 kWh, nhưng ở xi măng Tân Thắng là 57 - 58 kWh. Công nghệ cũ sản xuất xi măng tiêu thụ 33 - 34 kWh/tấn sản phẩm, nhưng xi măng Tân Thắng là 30 - 31 kWh/tấn sản phẩm. Như vậy, từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm bình thường tiêu tốn khoảng 95 kWh/tấn sản phẩm thì ở nhà máy xi măng Tân Thắng tối thiểu là 90 kWh/tấn sản phẩm"

Đặc biệt, xi măng Tân Thắng đã triển khai nhà máy nhiệt điện khí thải theo hình thức BOT. Theo đó, tổng điện năng tiêu thụ nhà máy từ 23 - 25 MWh, sử dụng nhiệt điện khí thải công suất phát 7 MWh, như vậy, tiết kiệm được tới 30% tổng điện năng tiêu thụ. Việc triển khai dự án phát nhiệt điện khí thải để tận dụng nguồn nhiệt dư sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải bụi, giúp hoạt động sản xuất thân thiện hơn với môi trường.

Tiềm năng TKNL trong ngành công nghiệp là rất lớn. Cần có những giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy SDNL TK&HQ trong lĩnh vực này. Việc SDNL TK&HQ trong doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Trong bối cảnh nguồn nhiên liệu, năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm, SDNL TK&HQ là giải pháp quan trọng góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng. Tiêu tốn ít năng lượng hơn cũng đồng nghĩa giảm phát thải ra môi trường.

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện