Saturday, 23/11/2024 | 14:25 GMT+7
Tổng công ty Công nghiệp tầu thuỷ Bạch Đằng (TP Hải Phòng) là đơn vị trực thuộc tập đoàn kinh tế Vinashin với 10 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa tàu thủy. Tổng công ty đã đàu tư phát triển công nghệ trở thành đơn vị tiên phong trong việc đóng mới cũng như sửa chữa các sản phẩm tàu có trọng tải lớn, hiện đại, yêu cầu kỹ thuật cao.
Không chỉ chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL), bảo vệ môi trường cũng luôn được doanh nghiệp chú trọng. Hoàn thành các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng cho toàn nhà máy, ước tính mỗi năm Tổng công ty có thể giảm chi phí sản xuất trên 2,4 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng thăm Tổng công ty Công nghiệp tầu thuỷ Bạch Đằng
Ông Chu Thế Hưng, Tổng Giám đốc cho biết, mỗi năm tổng công ty tiêu tốn khoảng 20 tỷ cho chi phí năng lượng bao gồm điện, gas, dầu và O2. Mặc dù thường xuyên đổi mới công nghệ tuy nhiên lãng phí năng lượng là điều không tránh khỏi. Sau khi tham gia chương trình kiểm toán năng lượng dành cho doanh nghiệp, dưới sự tư vấn từ các chuyên gia Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hải Phòng chúng tôi nhận thấy tiềm năng giảm chi phí là rất lớn, góp phần bảo vệ môi trường.
Giải pháp quản lý
Các chuyên gia kiểm toán năng lượng cho biết, TKNL không có nghĩa là hạn chế sử dụng năng lượng mà là sử dụng năng lượng một cách hợp lý, an toàn, hiệu quả nhằm mục đích đảm bảo nhu cầu cơ bản của cá nhân cũng như doanh nghiệp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh. Chính vì thế, việc quản lý hiệu quả có vai trò quan trọng, quyết định việc thực hiện TKNL ở doanh nghiệp.
Tại Tổng công ty Công nghiệp tầu thuỷ Bạch Đằng do chưa thành lập được Ban quản lý năng lượng nên việc quản lý sử dụng năng lượng chỉ hoàn toàn dựa vào số liệu tổng kết cuối tháng từ các thiết bị đo. Với những số liệu chung chung như thế, việc giám sát mức tiêu hao năng lượng không hiệu quả, không tạo được sự khích lệ, khen thưởng kịp thời đối với từng đơn vị sản xuất có ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Ước tính, giải pháp thành lập Ban TKNL sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm khoảng 3% tổng năng lượng tiêu thụ cho toàn nhà máy. Theo đó, mỗi năm nhà máy tiết kiệm được khoảng 240 nghìn Kwh tương đương 240 triệu với thời gian hoàn vốn chỉ hơn 4 tháng.
Giải pháp cho hệ thống điện
Qua quan sát, hiện tại trạm biến áp tổng cung cấp điện cho toàn nhà máy không lắp tụ bù do đó hệ số công suất thấp, mỗi tháng mức nộp phạt vô công là trên 20 triệu đồng. Giải pháp lắp tụ bù cho cả 9 máy biến áp đang hoạt động có thể tiết kiệm số tiền nộp phạt hàng năm là 240 triệu đồng. Đây là giải pháp cần vốn đầu tư lớn, khoảng 520 triệu đồng song bù lại dễ dàng thực hiện mà hiệu quả mang lại thấy rất rõ.
Hoàn thành các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng cho toàn nhà máy, ước tính mỗi năm Tổng công ty có thể giảm chi phí sản xuất trên 2,4 tỷ đồng
Với hệ thống cần cẩu đa phần thiết bị đã cũ, hiệu suất thấp. Lắp lắp biến tần cho động cơ cẩu không chỉ giúp tăng năng suất, tăng tuổi thọ và tính an toàn cho động cơ mà còn tiết kiệm điện năng đáng kể.
Kết quả tính toán cho thấy giải pháp trên có thể tiết kiệm đến 25% lượng điện năng tiêu thụ cho hệ thống cần cẩu, tức khoảng 150 nghìn Kwh bằng 150 triệu đồng cùng với đó là giảm lượng phát thải gần 13 tấn Cacbon mỗi năm.
Ở hệ thống khí nén, bằng các giải pháp như cải tạo đường ống, lắp thêm bình tích áp và lắp biến tần cho hệ thống máy nén khí tiềm năng có thể giảm chi phí là trên 550 triệu đồng.
Đặc biệt, để phục vụ việc đóng mới và sửa chữa tổng công ty đang sử dụng 342 máy hàn một chiều, rất tiêu tốn điện năng. Lắp đặt đồng bộ thiết bị TKNL cho toàn bộ lượng máy hàn sẽ giúp hệ thống hoạt động ổn định, tránh hiện tượng non tải thường xuyên đồng thời giúp tăng tuổi thọ máy hàn. Mức vốn đầu tư ban đầu là trên 500 triệu đồng, mỗi năm nhà máy sẽ tiết kiệm được khoảng 950 triệu đồng, thời gian hoàn vốn chỉ trên 5 tháng.
Hệ thống chiếu sáng tại Tổng công ty Công nghiệp tầu thuỷ Bạch Đằng sử dụng phần lớn là bóng đèn huỳnh quang T10-1,2m ngoài ra là bóng cao áp. Bên cạnh đó hiện tại nhà máy vẫn còn sử dụng trên 100 bóng sợi đốt loại 200W. Cải tạo hệ thống chiếu sáng sang sử dụng thiết bị TKNL sẽ giúp nhà máy tiết kiệm trên 30 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, để phục vụ 2500 bữa ăn cho cán bộ công nhân viên mỗi tháng Tổng công ty chi phí khoảng 56 triệu tiền gas. Giải pháp sử dụng bình đun nước nóng năng lượng mặt trời được tính toán sẽ giúp giảm tiêu thụ trên 39 tấn gas/năm tương đương trên 380 triệu đồng.
Trần Liễu