Tuesday, 24/12/2024 | 02:31 GMT+7

Đã sẵn sàng thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc

31/08/2012

Ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng TKNL, Vụ trưởng Vụ KHCN và TKNL - Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương đã có bài trả lời xung quanh hoạt động chuẩn bị cho thời điểm bắt buộc dán nhãn năng lượng theo Luật định.

Ngày 1-1-2013 là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp sử dụng năng lượng bắt buộc phải thực hiện dán nhãn năng lượng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

253dad5de_anh_kim.jpg
Ông Phương Hoàng Kim phát biểu tại Hội thảo xúc tiến dán nhãn năng lượng bắt buộc tại Hà Nội ngày 19/6/2012

Mục tiêu của việc dán nhãn năng lượng nhằm mục đích khuyến khích các sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu xuất cao, hạn chế tiến tới không sử dụng các sản phẩm tiêu tốn năng lượng. Ngoài ra, nhãn năng lượng còn giúp người tiêu dùng nhận diện rõ hơn, lựa chọn các sản phảm tiết kiệm năng lượng, không sử dụng các sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng.

Ông Phương Hoàng Kim, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, Vụ trưởng Vụ KHCN và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương đã có cuộc phỏng vấn xung quanh hoạt động chuẩn bị cho mốc thời gian quan trọng này.

Ông cho biết những sản phẩm nào bắt buộc phải thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng từ năm 2013?

3f7b8da02_be33f02e0_mr_kim.jpgNgày 12/9/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định 51/QĐ-Ttg Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng áp dụng mức hiệu suất năng lượng và lộ trình thực hiện. Quyết định nêu rõ, từ ngày 1/1/2013 thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp.

Nhóm thiết bị gia dụng bao gồm: Đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ, điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình.

Nhóm thiết bị công nghiệp gồm máy biến áp phân phối và động cơ điện.

Ông có thể phân tích những lợi thế của sản phẩm đã được dán nhãn tiết kiệm năng lượng so với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường?




Bắt buộc lựa chọn sản phẩm TKNL khi mua sắm công

Quyết định 68/2011/ QĐ-Ttg  ban hành ngày 12/12/2011 quy định từ ngày 1/1/2013 các đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước khi mua sắm thiết bị thuộc danh mục 13 phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện bắt buộc phải lựa chọn sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng loại Nhãn năng lượng xác nhận ( Nhãn ngôi sao năng lượng Việt) hoặc Nhãn năng lượng so sánh đạt cấp hiệu suất 5 sao

Khi dán nhãn năng lượng cho sản phẩm, doanh nghiệp được lợi vì nhãn năng lượng sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện. Như vậy, nhãn năng lượng giúp sản phẩm cạnh tranh hơn so với sản phẩm không có nhãn năng lượng. Khi người tiêu dùng nhận diện được nhãn năng lượng thì doanh nghiệp càng tham gia sớm càng có lợi thế cạnh tranh hơn.

Thông qua nhãn năng lượng, doanh  nghiệp còn khẳng định với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.  Nhãn năng lượng chính là “giấy thông hành”, minh chứng cho mức độ tiết kiệm năng lượng của sản phẩm.
Đặc biệt, các sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng còn  được ưu tiên lựa chọn trong việc mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai thí điểm bước đầu dán nhãn năng lượng cho một số sản phẩm như đèn compact, balast, quạt điện… Nhãn năng lượng đã phần nào giúp cho sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng cũng như góp phần làm tăng sức cạnh tranh của trên thị trường. Nhiều thương hiệu đã “ghi dấu” với những sản phẩm chất lượng được dán nhãn như đèn của Rạng Đông, Điện Quang, Quạt điện ASIA…


Từ năm 2013, chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng sẽ bắt buộc với một số phương tiện thiết bị. Công tác chuẩn bị của Bộ Công Thương về mặt nhân lực và cơ sở vật chất đang thực hiện như thế nào?

Từ 1/1/2013 việc thực hiện dán nhãn bắt buộc mới có hiệu lực, tuy nhiên trước đó, cụ thể là từ năm 2009 Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện dán nhãn thí điểm cho rất nhiều sản phẩm của nhiều nhà sản xuất, nhà nhập khẩu khác nhau. Trong quá trình này, hệ thống cơ sở vật chất và nhân lực thực hiện công tác dán nhãn năng lượng đã được hoàn thiện. Có thể khẳng định, mọi công tác chuẩn bị cho thời điểm thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đã cơ bản sẵn sàng.

Về nhân lực, bên cạnh các chuyên gia Văn phòng Tiết kiệm năng lượng, tham gia chương trình dán nhãn năng lượng còn có các chuyên gia Bộ Khoa học và công nghệ, chuyên gia dự án “ Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng” – Bresl.


7e9b65019_giay_chug_nhan.jpg
Từ ngày 1/1/2013 thực hiện dán nhãn năng lượng theo hình thức bắt buộc đối với nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp.

Về cơ sở vật chất, Việt Nam hiện có 4 trung tâm có thể kiểm định chất lượng sản phẩm dán nhãn năng lượng là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và 3 (Quatest 1 và 3) đủ tiêu chuẩn để chứng nhận các sản phẩm như: Thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao như bóng đèn huỳnh quang dạng ống, quạt điện, bình đun nước nóng có dự trữ, bóng đèn sodium cao áp, nồi cơm điện, chóa đèn chiếu sáng đường phố, động cơ điện không đồng bộ ba pha; Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM kiểm định quạt điện; Trung tâm thử nghiệm - Kiểm định công nghiệp thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin) có thể kiểm định tủ lạnh, tủ kết đông lạnh và máy điều hòa không khí.

Thời điểm 2013 đang đến gần, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng, ngần ngại trong việc lập hồ sơ dán nhãn năng lượng cho sản phẩm? Vậy công tác truyền thông, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp được thực hiện ra sao?

Mọi thông tin về hoạt động dán nhãn năng lượng, các văn bản pháp lý liên quan đều được công khai đăng tải và cập nhật thường xuyên tại trang thông tin điện tử của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiểt kiệm và hiệu quả tai địa chỉ www.tietkiemnangluong.com.vn

Sắp tới, một website chuyên về các thông tin dán nhãn năng lượng sẽ được đưa vào sử dụng sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc thực hiện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình. Doanh nghiệp có thể tra cứu mọi thông tin liên quan đến thủ tục, quy trình về dán nhãn tiết kiệm năng lượng tại đây.

ff0876eee_nhan_nl.jpg
Nhãn năng lượng so sánh và Nhãn năng lượng xác nhận

Từ đầu năm 2012, hàng loạt hội thảo phổ biến Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm trong đó có các quy định về thực hiện dán nhãn năng lượng đã được tổ chức dành cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ phương tiện, thiết bị tiêu thụ điện. Trong khuôn khổ dự án dự án “ Dỡ bỏ rào cản để thực thi có hiệu quả các tiêu chuẩn và nhãn hiệu suất năng lượng”  do UNDP và GEF tài trợ cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị về dán nhãn năng lượng tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

300.000 ngàn tờ rơi, hàng ngàn cuốn sách hướng dẫn về dán nhãn TKNL đã được gửi đến doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giải đáp các thắc mắc trong quá trình lập hồ sơ thực hiện dán nhãn năng lượng. Và tất cả các thông tin mới nhất về dán nhãn đều được cập nhật trên trang www.tietkiemnangluong.com.vn
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng thường xuyên được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo giấy, phát thanh, truyền hình, báo mạng.

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp hưởng ứng dán nhãn nhiều ko? Ông đánh giá thế nào về sự chủ động của doanh nghiệp?

Tâm lý chung của người Việt Nam nói chung và của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng là cái gì chưa bắt buộc thì chưa làm. Thực hiện dán nhãn năng lượng cũng không là ngoại lệ, sở dĩ nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ việc đăng ký dán nhãn năng lượng là do chưa áp dụng bắt buộc doanh nghiệp phải dán nhãn nên các doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm.

Các doanh nghiệp khi chưa tiếp cận thì lo ngại thủ tục rườm rà, khó khăn trong quá trình kiểm định hay chi phí kiểm định lớn. Điều này khiến tâm lý đa phần doanh nghiệp còn nghe ngóng, đợi bắt buộc mới thực hiện.

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã được dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình đều phản hồi về những lợi ích khi tham gia dán nhãn. Nhất là trong giai đoạn còn khuyến khích dãn nhãn, các doanh nghiệp được chuyên gia trực tiếp tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ và được Bộ Công Thương hỗ trợ công tác truyền thông…

Hiện tại, số lượng doanh nghiệp, nhà nhập khẩu chủ động gửi hồ sơ về Bộ Công Thương để được thực hiện dán nhãn năng lượng ngày càng nhiều. Các hồ sơ này đang được kiểm định, hướng dẫn hoàn tất thủ tục để cấp giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong năm 2012.

Vậy, ông hãy phân tích rõ hơn về trình  tự thủ tục để được dán nhãn tiết kiệm năng lượng để doanh nghiệp nắm được?

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng tham gia chứng nhận và dán nhãn năng lượng cần lập hồ sơ theo quy định,  lấy mẫu sản phẩm gửi tới tổ chức thử nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định (4 phòng kiểm định đã nêu ở trên)  để thử nghiệm và nhận phiếu kết quả thử nghiệm. Sau đó, doanh nghiệp gửi hồ sơ đầy đủ về Bộ Công Thương để được xét chứng nhận.

Sau khi đánh giá đạt yêu cầu, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị được đăng ký. Nếu doanh nghiệp xin chứng nhận tại cơ sở sản xuất, kể cả cơ sở sản xuất tại nước ngoài đối với hàng nhập khẩu, thì giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng có thời hạn tối đa là 3 năm. Nếu doanh nghiệp xin chứng nhận cho lô hàng khi nhập qua cửa khẩu, thì giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng chỉ có giá trị cho lô hàng đó.

Trường hợp kết quả đánh giá không đạt, Bộ Công Thương sẽ thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp.

Để tránh quá tải cho việc xem xét, đánh giá hồ sơ, cũng như quá tải cho cơ sở thử nghiệm, doanh nghiệp nên sớm làm các thủ tục cần thiết. Doanh nghiệp nên tranh thủ thời cơ, đăng ký dán nhãn năng lượng càng sớm cáng tốt. Nên làm trước ngày 1/1/2013, tránh để sản phẩm phải dán nhãn năng lượng mà lại không có nhãn khi lưu thông tiêu thụ sau ngày 1/1/2013.

Xin cảm ơn ông!


6f108fcd4_tran_thach_quang_asia.jpgChương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đi theo tiêu chí kinh doanh đem lại lợi ích cho người tiêu dùng thì dán nhãn năng lượng là hướng đi đúng. Nhãn năng lượng chính là tiêu chuẩn, dấu hiệu để người tiêu dùng đánh giá sản phẩm chất lượng so với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường.

Ông Trần Thạch Quang, Giám đốc Marketing Công ty CP quạt Việt Nam (ASIA  Vina)



Trần Liễu