Saturday, 23/11/2024 | 17:48 GMT+7

Hoạt động của các trung tâm TKNL: Hiệu quả, ý nghĩa, thiết thực

15/10/2012

Tính đến thời điểm này, cả nước có mạng lưới gồm 12 Trung tâm tiết kiệm năng lượng (TKNL) được thành lập và khoảng 24 Trung tâm Khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực TKNL

Tính đến thời điểm này, cả nước có mạng lưới gồm 12 Trung tâm tiết kiệm năng lượng (TKNL) được thành lập và khoảng 24 Trung tâm Khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp có chức năng hoạt động trong lĩnh vực TKNL. Để tìm hiểu và có cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động của các trung tâm TKNL, Bản tin Tiết kiệm năng lượng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Long – Phó Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương, xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc! 

Ông có đánh giá nhận, xét như thế nào về các hoạt động của các Trung tâm TKNL trong thời gian qua? 

bb87bb743_mr_long.jpgCho đến nay chúng ta có 12 trung tâm TKNL gồm: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Phú Yên, Phú Thọ, Quảng Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, ENERTEAM, Hải Phòng… và 24 trung tâm khuyến công có chức năng về TKNL như: Hà Giang, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà rịa - Vũng Tầu, Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Ngoài ra còn có khoảng 30 đơn vị khác làm công tác tư vấn trong lĩnh vực TKNL. Có thể nói rằng, hầu hết các hoạt động của các trung tâm đều mang lại hiệu quả và ý nghĩa thiết thực. 

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố trung tâm của cả nước, có lượng doanh nghiệp lớn nên có tiềm năng rất lớn về TKNL. Xin ông cho biết cụ thể về hoạt động của hai trung tâm này? 

Trung tâm TKNL TP Hồ Chí Minh (ECC HCM) và Trung tâm TKNL Hà Nội (ECC HN) là 2 đơn vị có đầy đủ chức năng để triển khai các hoạt động. Trước hết, họ tuyên truyền rất rộng và hiệu quả thông qua hệ thống thông tin đại chúng và 2 trung tâm này  tổ chức thành công các kỳ hội chợ, tổ chức phát động thi đua trong hộ gia đình, các cuộc thi với thanh niên, thiếu niên học sinh, phụ nữ… Các trung tâm đã kết hợp với các đài truyền hình, đài phát thanh của tỉnh để thực hiện các phóng sự, bản tin về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để tuyên truyền trên địa bàn. Tính đến 2012, ECC HCM đã triển khai được 200 nghìn hộ gia đình đăng ký sử dụng tiết kiệm điện; ECC HN triển khai được trên 100 nghìn hộ gia đình. 

ECC HCM và ECC HN còn tổ chức triển khai các hoạt động mang tính quản lý như với ECC Hà Nội thì tổ chức giải Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà; ECC HCM thì tổ chức giải Toà nhà tiết kiệm năng lượng, giải thưởng truyền thông quốc gia viết về TKNL. 

6d59c9f03_hoi_nghi_lan_5.jpg

Hội nghị các Trung tâm TKNL toàn quốc lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Phú Yên T8/2012

Nhằm giới thiệu sản phẩm TKNL, đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực TKNL, ECC HCM và Hà Nội đã tổ chức thành công các kỳ hội chợ, triển lãm TKNL. Năm 2008, ECC HCM lần đầu tiên tổ chức  thành công hội chợ triển lãm năng lượng và sản phẩm TKNL  tại Tp Hồ Chí Minh. ECC Hà Nội thì triển khai Hội chợ Năng lượng hiệu quả - Môi trường Hà Nội gọi tắt là ENTECH Hà Nội định kỳ theo các năm 2009, 2010, 2011, 2012. Hội chợ có quy mô trên 150 gian hàng trong đó có trên 60 gian hàng nước ngoài. Đặc biệt, về mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, ECC HCM và ECC HN đã phối hợp với văn phòng TKNL thực hiện dự án JICA  về tổng sơ đồ tiềm năng TKNL VN, Dự án với DANIDA, ADB, PROMEC của JICA, UNIDO, Bresl… 

Như vậy có thể thấy, tính đến nay, ECC HCM và ECC HN vẫn là 2 “đầu tầu” trong lĩnh vực TKNL. Thế còn các trung tâm và địa phương khác thì sao, thưa ông? 

ÔNG NGUYỄN VĂN LONG: Đúng vậy. Hiện nay, ECC HCM và ECC HN là có đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội về TKNL. Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá cao những nỗ lực đạt được của các trung tâm TKNL cũng như các trung tâm khuyến công có chức năng về TKNL còn lại. Mỗi một địa phương có đặc thù khác nhau nên các trung tâm triển khai hoạt động đều dựa trên đặc thù từng địa phương. Mặc dù mới chỉ dừng lại ở tuyên truyền nhưng những năm vừa qua, các trung tâm đã triển khai rất hiệu quả. Điều dễ nhận thấy là nhận thức của người dân đến doanh nghiệp đã thay đổi rõ rệt. Không những vậy mà họ đã có ý thức về hành động khi sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm. Đơn cử như các địa phương Tiền Giang, Trà Vinh, Hải Phòng đều có chương trình phát động hộ gia đình TKĐ rất khác nhau theo từng đặc thù của từng địa phương, theo phong tục sinh hoạt của địa phương họ. Hay như Phú Thọ và Ninh Bình thì dựa trên thế mạnh về chăn nuôi và trồng trọt nên phát triển Biogas gia đình rất tốt. Đối với Bà Rịa ¬Vũng Tầu và Bình Phước thì xây dựng hệ thống biogas phát điện để dùng trong sản xuất... 

Thực tế, khi triển khai các hoạt động về TKNL hầu hết các Trung tâm phải đối mặt với những rào cản lớn như mỏng về nhân lực, thiếu về trang thiết bị, vốn... Vấn đề này đã được giải quyết ra sao trong thời gian qua? Văn phòng TKNL đã có hỗ trợ như thế nào cho các địa phương, thưa ông? 

Nói về rào cản trong quá trình thực hiện hoạt động TKNL, tôi nghĩ tất cả các địa phương đều phải đối mặt, kể cả TP. HCM và Hà Nội. 

Văn phòng TKNL đã tổ chức các khoá đào tạo cấp chứng chỉ cán bộ quản lý năng lượng cho các trung tâm, doanh nghiệp. Trong năm 2011, Văn phòng đã tổ chức được 03 lớp đào tạo về bỗi dưỡng đội ngũ giảng viên và 13 lớp đào tạo cấp chứng chỉ người quản lý năng lượng cho 350 cán bộ quản lý của trung tâm TKNL và doanh nghiệp. Tập huấn phổ biến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả , các văn bản dưới luật, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trực tiếp tại các địa phương và các cán bộ thuộc các trung tâm TKNL khu vực phía Bắc. Đặc biệt, Văn phòng còn phối hợp với các tổ chức nước ngoài để tổ chức các lớp đào tạo ở nước ngoài. Đến nay đã tổ chức được 8 lớp học tập nghiệp vụ ở Nhật Bản cho các Sở Công Thương, Tập đoàn. 

Trong thời gian tới, theo ông, các trung tâm làm gì đề để triển khai sâu rộng hơn nữa các hoạt động về TKNL? 

Với những trung tâm mới đi vào hoạt động chưa có kinh nghiệm về triển khai hoạt động TKNL nên học tập các đơn vị khác. Bên cạnh sự hỗ trợ thường xuyên của Văn phòng TKNL, tôi cho rằng, các Trung tâm TKNL phải biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đặc biệt cần lồng ghép các hoạt động với nhau.Sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương cũng vô cùng quan trọng đối với sự thành bại của bất kể hoạt động nào trên địa phương ấy, đặc biệt là hoạt động TKNL. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sông Thương (Bản tin TKNL)