Friday, 15/11/2024 | 08:47 GMT+7

Hà Nội chung tay tiết kiệm điện

19/09/2013

Hà Nội thực hiện hàng loạt giải pháp tuyên truyền, tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) nhằm chuyển biến từ nhận thức sang hành động, hướng tới sự phát triển bền vững.

6 tháng đầu năm 2013, EVN Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về sản lượng điện tiết kiệm (bằng 2,8% điện thương phẩm và đạt 84,82% kế hoạch cả năm). Đây là kết quả sau nhiều năm Hà Nội thực hiện hàng loạt giải pháp tuyên truyền, tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) nhằm  chuyển biến từ nhận thức sang hành động, hướng tới sự phát triển bền vững.
 
34461df49_tknl1.jpg


Lò thủy tinh không chì tiết kiệm năng lượng của công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông. 
 
Chính quyền ra tay

Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, yêu cầu tất cả các đơn vị cùng vào cuộc tham gia hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng TK&HQ trên toàn thành phố.

Nhờ đó, nhận thức của các doanh nghiệp (DN), cộng đồng dân cư từng bước được nâng cao. Giai đoạn 2006-2010, toàn TP. Hà Nội đã tiết kiệm được 420 nghìn tấn dầu quy đổi (TOE), tương đương 820 tỷ đồng, giảm 3,6% lượng điện tiêu thụ so với dự báo. Giai đoạn 2011-2012 tiết kiệm 1,7%. Giai đoạn 2013-2015, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm 6-9% tổng mức tiêu thụ năng lượng, tương đương 0,9-1,4 triệu TOE. Riêng năm 2013, EVNHANOI dành kinh phí 3,92 tỉ đồng cho công tác tuyên truyền TKĐ. 6 tháng đầu năm 2013, các thành viên của EVN phân phối đã in và phát  6,5 triệu tờ rơi;  trên 900.000 thư ngỏ tới khách hàng sử dụng điện có nội dung tuyên truyền TKĐ.

Sở Công Thương Hà Nội được giao chủ trì phối hợp giữa UBND Thành phố và Bộ Công Thương để thực hiện phong trào TKĐ. Vận động các nhà tài trợ, các DN giúp đỡ, ủng hộ, giảm giá bán một số sản phẩm TKNL  cho các hộ gia đình như hỗ trợ mua bình nước nóng năng lượng mặt trời (1 triệu đồng/bình). Tạo điều kiện, cung cấp thông tin để nhân dân mua các sản phẩm, thiết bị TKNL. Ban hành quy định, kiểm tra, chấm điểm thi đua, thưởng phạt nghiêm minh đối với công tác TKĐ tới CBCNVC. Sở Công Thương phối hợp với EVN Hà Nội tổ chức hàng trăm lớp tập huấn với nội dung sử dụng năng lượng TK&HQ; đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý năng lượng cho hơn 400 người thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp và khoảng 170 người trong lĩnh vực quản lý, sử dụng các công trình xây dựng. Khuyến khích sử dụng các trang thiết bị hiệu suất cao, thay thế dần tiến tới loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu; Áp dụng các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm ít nhất 10% năng lượng tiêu thụ. 100% tòa nhà xây dựng mới hoặc cải tạo lại thuộc phạm vi điều chỉnh của “Các công trình sử dụng năng lượng TK&HQ” sẽ bắt buộc theo đúng quy chuẩn. 100% công trình chiếu sáng công cộng xây dựng mới triển khai các giải pháp công nghệ chiếu sáng hiệu suất cao, TKNL. Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải đáp ứng nhu cầu tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống.

Doanh nghiệp vào cuộc

Theo ông Phạm Đức Tiến - Phó giám đốc Sở công Thương Hà Nội, đến thời điểm này, hầu như mọi DN đều ít nhiều áp dụng các giải pháp TKĐ; đảm bảo sử dụng đúng công suất, biểu đồ phụ tải; bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn vào giờ cao điểm; thay đổi công nghệ tiên tiến, mua sắm thay thế thiết bị tiết kiệm điện; sử dụng đèn compact, đèn LED và bình nước nóng năng lượng mặt trời; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên; tận dụng năng lượng thừa ở công đoạn này để dùng cho công đoạn khác…

Điển hình là Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì giảm tiêu hao khoảng 170 – 230 lít dầu/tấn sản phẩm, tương đương 864.000 lít dầu FO/năm so với lò thủy tinh thông thường. Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Hà Nội sử dụng bình tích áp cho hệ thống máy nén khí tiết kiệm 17% năng lượng. Công ty Toto đã thực hiện rất nhiều các biện pháp TKNL tập trung chủ yếu vào hệ thống lò tuynel, quạt, hệ thống máy nén khí, hệ thống chiếu sáng … Khách Sạn Hà Nội đã tiết kiệm 308.000 kWh (chiếm 6%) tổng mức tiêu thụ năng lượng thông qua các giải pháp: sử dụng đèn compact 7W và 9W và đèn LED trong toàn khách sạn; Phân lộ bóng đèn độc lập và bảo dưỡng thường xuyên. Thay màn hình tivi cũ bằng màn hình mới công suất thấp; Lắp biến tần cho hệ thống động cơ bơm nước lạnh; Lắp đặt hệ thống điều khiển nhiệt độ trung tâm cho điều hòa không khí; Lắp đặt cửa kính cách nhiệt và rèm che cửa; Giám sát bảo trì và bảo dưỡng hệ thống tiêu thụ năng lượng. Vừa qua, Khách sạn Hà Nội còn thành lập Ban Quản lý năng lượng với nhiệm vụ tiết giảm 2% năng lượng trong năm tới. Các khách sạn khác cũng đều dùng thẻ khóa từ tự ngắt điện, sử dụng bóng đèn TKNL, thay thế dần tivi bóng hình sang LCD, lắp biến tần bơm nước, thang máy, trồng nhiều cây xanh thân thiện môi trường, dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời, nhắc nhở nhân viên ý thức TKĐ...

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra 40 doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn Hà Nội từ 25/3 đến 5/4/2013 cho thấy, hầu hết các DN chưa xây dựng một chiến lược TKNL bài bản. Nguyên nhân là do khó khăn về tài chính hoặc ngại việc thay đổi thói quen, quy trình, đổi ca, đổi giờ làm việc sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Đó là chưa kể, các DN ngại kiểm toán năng lượng sẽ “lộ” quy trình sản xuất, thông tin kỹ thuật công nghệ, lượng và chất nhiên liệu...

Hà Nội có 5.310 doanh nghiệp lớn, nhỏ, tỷ lệ năng lượng tiêu thụ cho sản xuất công nghiệp chiếm 70% toàn thành phố. Chỉ cần 30% doanh nghiệp ứng dụng giải pháp TKNL thì lượng điện tiết kiệm được rất lớn. Vì vậy, cần có một thể chế về TKNL triển khai xuống các DN với sự cam kết giữa cơ quan quản lý - nhà cung cấp và DN để vừa bảo đảm được mục tiêu TKNL chung vừa bảo đảm cho sự tin cậy từ phía DN.
 
Theo ICON.com.vn