Thursday, 14/11/2024 | 23:05 GMT+7
Để Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thu được nhiều kết quả hơn, trong năm 2015, chương trình sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp tuyên truyền sâu và hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp (DN) để đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng (TKNL) cao nhất. Phóng viên báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quốc Vũ- Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và TKNL - Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương - xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết một số kết quả hoạt động TKNL đã đạt được trong năm 2014?
Trong năm qua, tuy nguồn kinh phí cho chương trình còn hạn chế nhưng các nội dung của chương trình vẫn được bám sát và bảo đảm được các mục tiêu cụ thể đã đặt ra.
Cụ thể, về tuyên truyền nâng cao nhận thức, chương trình đã tổ chức được nhiều sự kiện thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và hưởng ứng, như sự kiện Giờ Trái đất năm 2014 thu hút được 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia; Giải báo chí toàn quốc về TKNL đã thu hút hơn 500 bài báo trên toàn quốc; Cuộc thi “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” và “Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà” đã giúp hơn 800 giải pháp TKNL được thực hiện...
Ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ Trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng
Cũng trong năm 2014, các chương trình quảng bá sản phẩm TKNL, các chuyên đề, phóng sự về các giải pháp TKNL trong công nghiệp, trong các tòa nhà thương mại hay hộ gia đình đã được tuyên truyền rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các chương trình hỗ trợ xây dựng hầm biogas và lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời đã được đẩy mạnh triển khai. Chương trình tuyên truyền trong học sinh, sinh viên và công đoàn ngành công thương đã thực hiện thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn thanh niên và Công đoàn Công Thương Việt Nam... Toàn bộ các nội dung tuyên truyền đã thực hiện phù hợp với từng đối tượng trong nhân dân để thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và thực hiện.
Đối với các DN công nghiệp, trong năm 2014, chương trình đã hỗ trợ hơn 200 DN thực hiện kiểm toán năng lượng và thực hiện các giải pháp mà đơn vị tư vấn đưa ra; hỗ trợ hơn 100 DN xây dựng mô hình quản lý năng lượng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và ISO 50001. Chương trình đã xây dựng được đường cơ sở về tiêu thụ năng lượng trong các ngành chế biến thủy sản, ngành giấy, ngành xi măng. Đặc biệt, trong năm 2014, chương trình đã triển khai thắng lợi mô hình bình đun nước nóng quy mô công nghiệp theo mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO).
Chương trình dán nhãn năng lượng cũng đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ khi giúp loại bỏ những sản phẩm không đạt mức hiệu suất năng lượng và tạo thói quen cho người dân trong việc sử dụng các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao. Đặc biệt, các nhà sản xuất và nhập khẩu đã thay đổi những dây chuyền sản xuất lạc hậu và hàng hóa nhập khẩu đã có sự lựa chọn về hiệu suất năng lượng.
Những kết quả trên sẽ góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu chung của chương trình và tạo cơ sở cho các tầng lớp nhân dân và các DN thực hiện các giải pháp TKNL trong thời gian tới.
Để thu được hiệu quả lớn hơn trong thời gian tới, chương trình sẽ tập trung vào các nội dung, giải pháp nào?
Để phù hợp và sát với thực tế hơn, thời gian tới, chương trình sẽ tập trung vào các nội dung sau: Thứ nhất, các hoạt động tuyên truyền sẽ đi sâu vào các giải pháp TKNL để các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt hơn nữa việc TKNL, đưa chương trình TKNL trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội. Thứ hai, chương trình dán nhãn năng lượng sẽ được đẩy mạnh triển khai, trong đó tập trung kiện toàn xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các thiết bị, tiêu chuẩn thử nghiệm để chứng nhận nhãn năng lượng cho các thiết bị, tổ chức triển khai công tác hậu kiểm để bảo đảm sự tuân thủ của các đơn vị tham gia chương trình dán nhãn năng lượng. Thứ ba, đối với các DN công nghiệp, chương trình sẽ tập trung xây dựng định mức cho một số ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, các kế hoạch và lộ trình thực hiện các giải pháp TKNL cho các ngành công nghiệp, giúp các DN công nghiệp xây dựng được các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững trong tương lai. Thứ tư, xây dựng và triển khai các quỹ, cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án đầu tư vào TKNL như cơ chế cho vay ưu đãi, cơ chế hợp đồng dịch vụ năng lượng (ESCO)...
Đâu là nét mới của chương trình năm 2015?
Năm 2015 cũng là năm cuối cùng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2, do vậy, chương trình sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đánh giá hiệu quả của các nhiệm vụ đã thực hiện đối với các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn tại các tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào các nhiệm vụ xây dựng và ban hành chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các tỉnh, nhằm chuẩn bị cơ sở pháp lý và kế hoạch hành động bền vững trong thời gian tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công Thương