Saturday, 23/11/2024 | 12:24 GMT+7

Hà Nội tiết kiệm 34,4 kTOE trong 6 tháng đầu năm

12/08/2021

Mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống sinh hoạt của người dân, tuy nhiên, các hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) trên địa bàn Hà Nội vẫn được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ.

Nâng cao công tác truyền thông
Hoạt động truyền thông, đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho DN tiếp tục là một trong những nội dung trọng tâm trong các giải pháp nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Sở Công Thương Hà Nội triển khai quyết liệt. Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng chương trình truyền thông để phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, kiến thức, khả năng về sản xuất và tiêu dùng bền vững với đa dạng các hình thức: Truyền thông trên báo chí và đài truyền hình; xây dựng cẩm nang, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Đồng thời, tổ chức 5 lớp tập huấn đào tạo kiến thức về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tại các huyện Hoài Đức, Thường Tín, Mê Linh…
Chương trình đào tạo cán bộ quản lý năng lượng giúp Hà Nội đạt được mục tiêu về tiết kiệm năng lượng
Đặc biệt, ngành Công Thương Thủ đô đã hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 10 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực Công Thương. Đồng thời, phối hợp với huyện Thường Tín, quận Long Biên tổ chức phổ biến các chuỗi kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững” nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm; thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu - sản xuất - phân phối - người tiêu dùng. Thông qua các hoạt động này, nhiều DN đã chủ động đổi mới công nghệ theo hướng TKNL, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chi phí năng lượng trên một đơn vị sản phẩm.
Phát huy vai trò của cơ quan quản lý
Để Chương trình TKNL trên địa bàn Thủ đô đi vào thực chất và mang lại hiệu quả cao, Sở Công Thương đã tham mưu, trình UBND thành phố ban hành nhiều văn bản như: Kế hoạch tăng cường tiết kiệm điện trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2021; Kế hoạch thực hiện chương trình Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2021 trên địa bàn TP. Hà Nội; Quyết định số 2242/QĐ-UB ngày 20/05/2021 của UBND thành phố về quy định tiêu chí sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố (sửa đổi Quyết định số 2173/QĐ-UBND ngày 03/5/2019 của UBND thành phố)….
UBND các quận, huyện, thị xã, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021. Sở Công Thương Hà Nội đã liên hệ trên 60 DN sản xuất công nghiệp, tòa nhà, công trình xây dựng, lập danh sách hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Kết quả, Hà Nội đã xây dựng hệ thống quản lý, mô phỏng, đánh giá hiệu quả và dự báo nhu cầu năng lượng; vận động trên 30 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng năng lượng xanh theo tiêu chí của thành phố. Lựa chọn 5 đơn vị điển hình tư vấn tham gia giải thưởng TKNL ASEAN; xây dựng chương trình truyền thông để phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, kiến thức, khả năng về sử dụng TKNL và hiệu quả với đa dạng hình thức. Điều chỉnh quy định Tiêu chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các cơ sở sử dụng năng lượng trong sản suất công nghiệp, công trình xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội. Nhờ đó, tổng năng lượng tiết kiệm 6 tháng đầu năm 2021 của Hà Nội ước đạt 34,4 kTOE, đạt 42% so với kế hoạch năm.
Sở Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tư vấn, tuyên truyền cho DN và người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đạt mức tiết kiệm 1,0 - 1,5% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu; trong đó, tiết kiệm điện tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ Hà Nội đề ra.
Nguồn Báo Công Thương