Monday, 23/12/2024 | 16:43 GMT+7
Với mức năng lượng tiêu thụ 9.421 TOE/năm, nhờ các giải pháp tiết kiệm năng lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2020, Nhà máy Thăng Long (Công ty Canon Việt Nam) đã đạt danh hiệu Năng lượng xanh 5 sao dành cho Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong sản xuất công nghiệp của Hà Nội.
Là một trong 3 nhà máy của Canon được đầu tư tại Việt Nam, với quy mô sản xuất lớn, ngay từ khi đầu tư xây dựng Nhà máy Thăng Long, Công ty TNHH Canon Việt Nam xác định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vô cùng cần thiết, nhằm giảm chi phí sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho xã hội.
Hệ thống ống được bọc bảo ôn chống tản nhiệt tại Bể trữ đá bằng bê tông
Với mục tiêu đó, Nhà máy Thăng Long đã thành lập Ban quản lý năng lượng gồm 5 cán bộ được cấp chứng chỉ của Bộ Công Thương, quy định rõ chức năng nhiệm vụ của các thành viên trong ban. Ban quản lý năng lượng có nhiệm vụ giám sát mức độ tiêu thụ năng lượng hàng ngày, đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra, tuần tra phát hiện khu vực sử dụng năng lượng lãng phí để có biện pháp xử lý.
Theo hồ sơ kiểm toán năng lượng từ năm 2015-2019 tổng mức tiết kiệm năng lượng mà nhà máy đạt là 30.806 mWh tương đương với tiền điện tiết kiệm được 54,3 tỷ đồng (bình quân gần 11 tỷ đồng/năm). Để đạt được kết quả này, nhà máy đã áp dụng cả giải pháp quản lý nội vi và giải pháp có đầu tư thấp.
Đối với giải pháp quản lý nội vi, nhà máy đã bọc bảo ôn thiết bị gia nhiệt của máy đúc nhựa, lò hàn nhằm tránh thất thoát nhiệt ra môi trường gây lãng phí năng lượng. Nhờ giải pháp này mà nhiệt độ trên bề mặt thiết bị đã giảm đáng kể (máy đúc nhựa từ 1200C còn 550C, lò hàn từ 42~450C xuống còn 32~350C), nhiệt độ được lưu lại trong bộ phận làm nóng của thiết bị. Ngoài việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí, hoạt động này còn giảm hao mòn cho thiết bị do tiết kiệm thời gian chạy máy. Đồng thời thay toàn bộ đèn chiếu sáng thông thường trong nhà xưởng sang đèn LED tiết kiệm năng lượng.
Cùng với đó, nhà máy đã tiến hành giải pháp lắp đặt liên động công tắc đèn với van cấp khí, khi tắt đèn, van khí sẽ tự động khóa theo. Đồng thời, đơn vị cũng đã tiến hành xây dựng bể tích lạnh vận hành ở giờ thấp điểm và sử dụng ở giờ cao điểm nhằm giảm tải năng lượng tiêu thụ ở các múi giờ cao điểm nhằm tránh quá tải.
Đặc biệt đơn vị đã áp dụng giải pháp về tự động hóa, kết nối mạng điều khiển, ứng dụng công nghệ “công nghiệp thế hệ 4.0” trong quản lý năng lượng. Theo đó, hệ thống quản lý, điều hành năng lượng thông minh BMS được kết nối trực tiếp với điện thoại cầm tay, trong trường hợp thiết bị có vấn đề như hỏng hóc, chạy quá tải, điện áp cao/thấp… gây lãng phí điện năng, điện thoại sẽ tự động đổ chuông để nhân viên phụ trách biết và tiến hành kiểm tra, xử lý sự cố giảm thiểu các lãng phí không cần thiết.
Nhờ đó, từ năm 2015-2019 tổng mức tiết kiệm năng lượng từ các giải pháp là 30.806MWh tương đương với tỷ lệ 15%. Giải pháp tiết kiệm đã thực hiện tại đơn vị có mức tiết kiệm cao nhất là giải pháp thay thế bóng đèn thường sang bóng đèn LED tiết kiệm điện với mức tiết kiệm 31%. Thời gian hoàn vốn trung bình của các giải pháp tiết kiệm năng lượng là 4,92 năm.
Nhà máy Thăng Long đặt mục tiêu trong vòng 5 năm tiếp theo tiết kiệm 35,2 tỷ đồng chi phí sử dụng năng lượng.
Theo Báo Công Thương