Monday, 16/09/2024 | 20:22 GMT+7

Sức ép năng lượng: Tiết kiệm là giải pháp căn cơ

16/05/2023

Năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đang là một trong những sức ép đối với người tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp. Trong bối cảnh giá điện tăng 3% bắt đầu từ tháng 4/2023, tiết kiệm điện đang là giải pháp để người tiêu dùng hạn chế chi phí cho điện năng.

Năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đang là một trong những sức ép đối với người tiêu dùng, nhất là các doanh nghiệp. Trong bối cảnh giá điện tăng 3% bắt đầu từ tháng 4/2023, tiết kiệm điện đang là giải pháp để người tiêu dùng hạn chế chi phí cho điện năng.
Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên cho biết, doanh nghiệp ông chuyên thu mua, chế biến nông sản để xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc sử dụng năng lượng điện trong sản xuất rất lớn do doanh nghiệp chủ yếu đã tự động hóa, sử dụng máy móc trong sản xuất. Chi phí hàng tháng chi trả cho tiền điện có thể coi là không nhỏ. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Anh cũng như toàn bộ công ty đều xác định phải tiết kiệm điện nhằm tiết giảm chi phí đầu vào sản phẩm. Ông Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã đánh giá năng lượng, sắp xếp lại chuỗi sản xuất để đảm bảo điện được sử dụng tối ưu nhất. Nhờ việc cải tiến máy móc, sắp xếp chuỗi sản xuất, mỗi tháng chi phí tiền điện giảm xuống đáng kể, doanh nghiệp bớt khó khăn”.
Kiểm tra điện tại KCN Lộc Sơn
Giống với Công ty CP Chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên, hơn 60 ngàn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều chịu chi phí lớn về tiền điện. Đó là chưa kể trên 400 ngàn khách hàng sử dụng điện trong sinh hoạt, với lượng điện không lớn so với điện sản xuất. Nhưng chi phí tiền điện cũng gây sức ép đến với người tiêu dùng, nhất là trong tình trạng kinh tế toàn cầu đang suy thoái vì dịch bệnh và chiến tranh. 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng, doanh nghiệp chịu trách nhiệm phân phối, cung cấp điện tới người tiêu dùng cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là nhiệm vụ quan trọng được ngành điện thực hiện từ nhiều năm nay. Riêng năm 2022, sản lượng điện tiết kiệm 12 tháng của Lâm Đồng là 36.420.326 kwh, tương đương 2,18% điện thương phẩm. Ngành điện đã thực hiện vượt chỉ tiêu tiết kiệm > 2,1% điện năng so với sản lượng điện thương phẩm do Tổng Công ty Điện lực Việt Nam quy định, là dấu hiệu rất đáng mừng. Các biện pháp tuyên truyền trong cộng đồng, với các doanh nghiệp, khách hàng sử dụng điện được tiến hành thường xuyên. 
11 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm
Lâm Đồng hiện có 11 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình quản lý năng lượng, đảm bảo sử dụng an toàn, tiết kiệm; đồng thời, phải thực hiện kiểm toán năng lượng theo quy định của pháp luật. Ngành điện đã ký kết thỏa thuận tiết giảm vào các khung giờ cao điểm với các cơ sở này nhằm đảm bảo an toàn điện và thực hiện tiết kiệm điện, giữ vững an ninh năng lượng.
Ông Nguyễn Văn Dũng đánh giá: “Chúng tôi rất chú trọng tới chương trình tuyên truyền tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp sản xuất, chống quá tải trạm biến áp công cộng. Công ty đã thực hiện triển khai tuyên truyền cho khách hàng tiết kiệm điện trong giờ cao điểm, chống quá tải trạm biến áp công cộng trong mùa khô năm 2023. Sử dụng điện hiệu quả, an toàn đi đôi với tiết kiệm luôn là mục tiêu của Công ty Điện lực Lâm Đồng”. Ông Dũng cũng cho biết, công ty triển khai thực hiện các hoạt động thông điệp “Đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả”, hỗ trợ sửa chữa điện và tặng bảo hiểm an toàn điện cho xấp xỉ 2.000 hộ nghèo, gia đình neo đơn hàng năm. 
Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Công thương Lâm Đồng cũng đề cao nhiệm vụ tiết kiệm điện, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Sở thực hiện các hoạt động “Tiết kiệm điện trong học đường”, “Tiết kiệm điện trong sản xuất nông nghiệp”, hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi máy móc, giải pháp sản xuất để tiết kiệm điện với số tiền nhiều tỷ đồng mỗi năm. Với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến máy móc, sử dụng công nghệ tiết kiệm là một ưu tiên. 
Ông Nguyễn Phong Phú, chủ Trang trại Phong Phú, Đơn Dương là trang trại sản xuất nông nghiệp tham gia dự án sử dụng điện mặt trời áp mái do Sở Công thương hỗ trợ. Ông Phú chia sẻ, trang trại sử dụng điện khá nhiều để phục vụ hệ thống máy tưới, máy vắt sữa trên diện tích 5 ha. Vì vậy, khi Sở Công thương hỗ trợ xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, ông đã tham gia. Theo ông, hệ thống điện mặt trời áp mái giảm khoảng 25 - 30% chi phí tiền điện hàng tháng cho trang trại.
Theo: Báo Lâm Đồng

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện