Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là sử dụng năng lượng một cách hợp lý, nhằm giảm mức tiêu thụ: Điện, gas, xăng dầu, chất đốt…, giảm chi phí năng lượng cho hoạt động của các thiết bị sử dụng năng lượng, phương tiện mà vẫn bảo đảm nhu cầu năng lượng cần thiết trong sản xuất, sinh hoạt, giao thông và dịch vụ.
Thực hiện chương trình Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã và đang đồng hành, chung tay cùng doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng lực cạnh tranh.
Tích cực tuyên truyền giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp. Ảnh: Internet
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, Sở Công Thương đã phối hợp các sở, ngành và các quận, huyện, thị xã thực hiện hỗ trợ kỹ thuật các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, ứng dụng các trang thiết bị có hiệu suất cao, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng trong quản lý, vận hành.
Đối với mỗi lĩnh vực cụ thể, Thành phố đã có riêng những sự hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn như việc phổ biến tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các công trình xây dựng; đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng: Lắp đặt và từng bước nhân rộng hệ thống chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng tái tạo tại các khu vực phù hợp.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng được ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp: Ứng dụng công nghệ cao sử dụng các thiết bị điện tiết kiệm trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông sản, hệ thống tưới, tiêu thoát nước; cải tạo, nâng cấp các trạm bơm tưới, tiêu công nghệ mới; triển khai giải pháp khuyến khích sử dụng hầm biogas kết hợp sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong hộ gia đình và sản xuất nông nghiệp...
Trong các đợt cao điểm hè, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, TP. Hà Nội cũng đã có những biện pháp tuyên truyền doanh nghiệp, người dân tiết kiệm điện như việc: Tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết; hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong khung giờ cao điểm (khung giờ từ 12h-15h và từ 22h-24h hằng ngày). Đặc biệt, chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26°C trở lên…
Tại Kế hoạch số 327/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,6-1,8% so với mức dự báo nhu cầu. Cùng với đó, phấn đấu 100% chiếu sáng trên địa bàn sẽ sử dụng đèn LED.
Cũng theo Kế hoạch, các cơ sở sử dụng năng lượng có điện năng tiêu thụ từ 01 triệu kwh/năm trở lên đảm bảo tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm hoặc đảm bảo tiết kiệm ít nhất 2% tổng điện năng tiêu thụ trong năm.
Đạt chỉ tiêu 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.
Tích cực phổ biến các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia có 100% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 80% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chuyển đổi xanh.
Kế hoạch cũng đặt chỉ tiêu đạt 70 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và có ít nhất 4 đến 6 cơ sở sử dụng năng lượng, công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp Quốc gia…
Để thực hiện kế hoạch, Thành phố giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và tổ chức liên quan thực hiện các nội dung về tiết kiệm điện và triển khai các chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng, đánh giá suất tiêu hao năng lượng, tập huấn và đào tạo cán bộ, hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng...
Có thể thấy, năng lượng không phải là nguồn tài nguyên vô tận, vì vậy việc sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng phải bằng hành động cụ thể, tự giác của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp để góp phần giảm mức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Theo: Chinhphu.vn