Saturday, 23/11/2024 | 08:27 GMT+7

Đổi mới khoa học công nghệ để tiết kiệm năng lượng

19/01/2009

Người dân và các doanh nghiệp đã quen với việc cắt điện luân phiên mỗi khi đến mùa khô. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu điện. Tuy nhiên, nếu như có giải pháp hiệu quả, đặc biệt là đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng để tiết kiệm năng lượng thì sẽ giảm bớt áp lực thiếu điện. PV Báo NĐBND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Thưa Thứ trưởng! Ông đánh giá như thế nào trong 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả?
      - Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đạt được một số thành công bước đầu. Chúng tôi chú trọng vào 4 lĩnh vực chính là: sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đào tạo. Chương trình có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công thương với Bộ Khoa học và Công nghệ, ưu tiên cho việc áp dụng đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng.

     Theo số liệu của các đợt kiểm toán cho thấy, Việt Nam có thể tiết kiệm tối thiểu là 5% và tối đa cũng có thể đạt từ 25-30 % . Tại một số doanh nghiệp (DN) áp dụng tiết kiệm năng lượång (TKNL) vào các hoạt động của mình đã tiết kiệm rất nhiều chi phí. Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm được tổn thất điện xuống được dưới 10%  (trước đây là 11-12%). Ngành Than cũng tiết kiệm được 15-20% nguồn điện sử dụng trong công tác khai thác than…

- Khó khăn nhất trong việc thực hiện Chương trình là gì, thưa ông?

      - Vướng mắc còn nhiều. Vì nhận thức của toàn xã hội trong lĩnh vực này chưa đầy đủ.  Thay đổi thói quen tiêu dùng điện trong sản xuất cũng như sinh hoạt cũng rất là khó. Công tác tuyên truyền cũng bị hạn chế vì kinh phí cho việc tuyên truyền ít. Đối với các DN, họ cũng nhận biết đổi mới công nghệ sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng không có vốn để làm điều đó. Nhưng mỗi DN nếu biết sắp xếp hợp lý dây chuyền sản xuất thì cũng không cần thiết phải thay đổi toàn bộ công nghệ. Điều khó khăn nhất là chúng ta chưa có Luật Tiết năng lượng nên vẫn kêu gọi mọi người tiết kiệm là chính.

- Được biết, Bộ đã có danh sách những đơn vị sử dụng năng lượng lãng phí. Xin hỏi ông tại sao chưa công bố danh sách ấy?

        - Không công bố không phải vì sợ đụng chạm. Mà vì chúng ta chưa  kiểm tra, kiểm toán được hết và cũng chưa có một tiêu chuẩn nên rất khó kết luận họ sử dụng lãng phí. Để đánh giá được thì Bộ Công thương phải kết hợp với Bộ Xây dựng áp dụng những công nghệ về TKNL trong các tòa nhà. Sau đó, đưa ra tiêu chuẩn dựa theo Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

 - Nhiều ý kiến cho rằng, để TKNL hữu hiệu thì cần nhanh chóng ban hành Luật TKNL. Ông có thể cho biết, công tác này đã được triển khai đến đâu ?

      - Bộ Công thương đã nhìn trước vấn đề này nên đã đề xuất xây dựng Luật TKNL. Hiện tại, về cơ bản dự thảo Luật đã hoàn thành. Chúng tôi đang gửi đến một số đơn vị, cơ quan nhận xét và sẽ hoàn chỉnh để trình lên Quốc hội phê duyệt trong năm nay. Đây là việc hết sức cần thiết vì khi đã được luật hóa và có những cơ sở pháp lý thì giải pháp sẽ mạnh mẽ và việc thực hiện chương trình sẽ hiệu quả hơn.

- Xin ông cho biết, nhiệm vụ trước mắt của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng NLTK  trong năm 2009?

      - Trước mắt là tiếp tục tập trung nguồn vốn rất hạn hẹp cho những lĩnh vực chính như: hỗ trợ kinh phí đầu tư cho một số DN có đề án cụ thể về TKNL; Đẩy mạnh tiết kiệm trong lĩnh vực GTVT (vì lĩnh vực này tiêu tốn khoảng trên 30-35% tổng nguồn năng lượng của cả nước); Tập trung tìm những giải pháp về TKNL cho ngành xây dựng.

      Vấn đề cuối cùng nhưng rất quan trọng đó là lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đặc biệt tập trung đưa TKNL vào các trường phổ thông, trung học, cao đẳng và đại học nhằm nâng cao nhận thức vấn đề này. Từ các em học sinh, sinh viên sẽ có tác dụng lan toả tới những người trong gia đình và thế hệ tương lai.

- Xin cám ơn Thứ trưởng

(Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân)