Friday, 08/11/2024 | 05:49 GMT+7

Có thể tiết kiệm 20% năng lượng trong dệt may

22/07/2010

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, đồng thời là mũi nhọn về xuất khẩu của nước ta. Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 DN dệt may với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Năm 2010, dự kiến dệt may sẽ tiếp tục là ngành dẫn đầu về xuất khẩu của cả nước với kim ngạch khoảng 10 tỷ USD.

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, đồng thời là mũi nhọn về xuất khẩu của nước ta. Hiện nay, cả nước có khoảng 2.000 DN dệt may với tốc độ tăng trưởng trên 10%/năm. Năm 2010, dự kiến dệt may sẽ tiếp tục là ngành dẫn đầu về xuất khẩu của cả nước với kim ngạch khoảng 10 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất của các DN dệt may hiện nay là phần lớn các DN có quy mô vừa và nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến chi phí sản xuất luôn ở mức cao, lợi nhuận thu được không nhiều.


 May.jpg


Cho nên, theo ông Nguyễn Bá Vinh - Quản đốc Dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các DN vừa và nhỏ (PECSME), "để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, DN cần áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp hiệu quả và dễ thực hiện nhất. Nếu áp dụng những phương pháp tiết kiệm năng lượng một cách đồng bộ, DN dệt may có thể tiết kiệm được khoảng 20% chi phí năng lượng cho sản xuất".

 

Theo đó, việc tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp dệt may có thể thực hiện được trong hầu khắp các khâu sản xuất, từ hệ thống lò hơi, máy nén khí, động cơ, chiếu sáng đến tiết kiệm nước trong sản xuất. Bên cạnh đó, những giải pháp này khá đơn giản, vốn đầu tư thấp, thời gian hoàn vốn ngắn.

 

Cụ thể, với lò hơi và hệ thống hơi, để tiết kiệm năng lượng, hệ thống lò hơi được ưu tiên sử dụng là các lò hơi có hiệu suất cao, công suất phù hợp, tránh tình trạng non tải. Bên cạnh đó, hệ thống lò hơi cần được bố trí, lắp đặt hệ thống phân phối hơi hợp lý, giảm thất thoát nhiệt trong quá trình phân phối hơi. Đồng thời, hệ thống hơi phải được vệ sinh định kỳ, tránh rò rỉ, cáu cặn trong lò.

 

Tại hệ thống lò hơi, nước ngưng có thể được thu hồi để làm nước cấp cho lò hơi và nhiệt khí thải lò hơi có thể tận dụng để gia nhiệt cho các lưu chất khác như nước cấp, dầu FO đốt lò. Riêng về nhiên liệu, chất lượng nhiên liệu đầu vào phải được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu để chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho lò hơi từ dầu FO sang một loại nhiên liệu khác cần phải được quan tâm và thực hiện ngay nhằm giảm chi phí sản xuất và ô nhiễm môi trường.

 

Giống như hệ thống hơi và lò hơi, hệ thống máy nén khí cũng có thể áp dụng nhiều phương pháp để tiết kiệm năng lượng. Cụ thể, máy nén khí được lắp đặt phải là máy nén khí phù hợp với yêu cầu và có hiệu suất cao. Bên cạnh đó, để duy trì độ bền cũng như tiết kiệm năng lượng, hệ thống nén khí cần phải được bố trí hợp lý, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng để tránh rò rỉ. Ngoài ra, áp suất khí nén cũng phải được cài đặt phù hợp.


det.jpg


Đối với động cơ, để tiết kiệm điện, động cơ cần được sử dụng với công suất phù hợp, có hiệu suất cao cho từng thiết bị, đồng thời phải được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, các động cơ hoạt động trong tình trạng non tải như quạt lò hơi, quạt hút, bơm dầu, máy se sợi, máy nhuộm… cần được sử dụng cùng các thiết bị tiết kiệm điện như biến tần, máy quản lý điện năng.

 

Hầu hết những DN dệt may có thể tiết kiệm điện trong chiếu sáng bằng các phương pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên trong sản xuất và sinh hoạt; sử dụng những bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng cao như compact, huỳnh quang T5, T8; bố trí bóng đèn, công tắc hợp lý để đảm bảo nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm năng lượng…

 

Với nguồn nước, các DN dệt may có thể tiết kiệm nước, nhiệt thải và hóa chất bằng việc thu hồi và tái sử dụng nước thải nhiệt độ cao từ các máy nhuộm, đồng thời thường xuyên kiểm tra hệ thống đường ống dẫn nước nhằm tránh rò rỉ, lãng phí nước.

 

Hàng loạt biện pháp được đề ra nói trên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho doanh nghiệp trong khi mức vốn đầu tư không quá cao và thời gian thu hồi rất nhanh. Bằng chứng là tại cơ sở dệt nhuộm Tín Thành - xã Dương Nội - Hà Đông - Hà Nội, doanh nghiệp đã đầu tư gần 100 triệu đồng cho tất cả các giải pháp như thu hồi nước ngưng và hơi, cải tạo hệ thống chiếu sáng, tối ưu hóa chế độ vận hành của tổ hợp máy nén khí, quản lý phụ tải.

 

Sau 1 năm, DN đã tiết kiệm được 60 tấn than nhiên liệu, giảm lượng lớn khí CO2 phát thải ra môi trường, đồng thời tiết kiệm hơn 30.000 KWh điện. Với mức đầu tư phù hợp với các DN vừa và nhỏ, thời gian thu hồi vốn khoảng trên 1 năm, DN không những giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận mà còn góp phần giảm tác hại đến môi trường và góp phần vào chiến lược tiết kiệm năng lượng quốc gia.


Theo Báo KTVN