Saturday, 23/11/2024 | 03:18 GMT+7
Theo số liệu thống kê, hiện nay, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) của Đà Nẵng chiếm khoảng hơn 90% tổng số các DN. Hàng năm, Đà Nẵng có tốc độ tiêu thụ năng lượng vào khoảng 800 triệu kWh, trong đó điện thương phẩm dành cho sản xuất kinh doanh vào khoảng 700 triệu kWh. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, lượng lớn dầu FO, DO được sử dụng cũng tăng dần qua từng năm.
Nhận thấy mức sử dụng năng lượng này có thể tiết kiệm được, bắt đầu từ năm 2007, Đà Nẵng đã tham gia vào dự án "Sử dụng hiệu quả năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ" (PECSME). Theo ông Nguyễn Bá Vinh – quản đốc dự án PECSME: "Mục tiêu của Đà Nẵng trong giai đoạn 2007-2010 là thực hiện được ít nhất 35 dự án TKNL, tiết kiệm được trên 1.500 TOE, giảm phát thải khoảng 14,6 nghìn tấn khí CO2".
Để đạt được kết quả này, hàng loạt hoạt động đã được tổ chức triển khai tại Đà Nẵng. Cụ thể, dự án đã bắt đầu tiến hành kiểm toán năng lượng tại 9 đơn vị DN. Kết quả cho thấy, tiềm năng tiết kiệm tại 9 DN này lên đến 2,1 tỷ đồng/năm. Từ kết quả kiểm toán này, dự án đã bắt đầu triển khai các buổi hội thảo, các buổi tập huấn về TKNL cho 41 DN Đà Nẵng trong các lĩnh vực: sản xuất giấy và nguyên liệu giấy, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất gốm sứ, dệt may.
Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm TKNL trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng học đường và khách sạn. Sau hàng loạt những hoạt động đó, kết quả thu được đến thời điểm này là rất khả quan.
Cụ thể, một trong những DN được áp dụng các giải pháp TKNL
của Đà Nẵng là Khách sạn Royal. Trước đây, với việc sử dụng rất nhiều thiết bị
điện như hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí, máy điều hòa nhiệt độ… lượng
điện năng tiêu thụ luôn rất cao.
Trước đây, hàng tháng, khách sạn phải trả 40-50 triệu đồng tiền điện. Khi bắt
đầu tham gia và dự án PECSME, hàng loạt các biện pháp tiết kiệm năng lượng như
thay thế các loại bóng đèn 40W bằng loại 8W, lắp pin thu năng lượng mặt trời
cho hệ thống nước nóng… đã được thực hiện. Và hiện tại, mặc dù số phòng khách sạn
đã tăng gấp đôi, đồng thời khách sạn còn cho xây dựng thêm 5 căn hộ, vũ trường
và một trung tâm massage gần 30 phòng, nhưng khách sạn vẫn chỉ phải trả số tiền
bằng với số tiền trước khi tham gia TKNL là khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Một trong những đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Đà
Nẵng đạt được những kết quả khả quan sau khi áp dụng các biện pháp TKNL đơn
giản là cơ sở may gia công Thành Đạt. Với đặc trưng là DN dệt may, lượng điện năng
tiêu thụ của DN này chủ yếu là ở khâu chiếu sáng.
Tuy nhiên, việc sử đụng nhiều đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang không TKNL, hàng
tháng, cơ sở này tốn rất nhiều tiền chi phí cho chiếu sáng. Vì vậy, DN đã thay toàn
bộ bóng đèn huỳnh quang bằng đèn tiết kiệm điện halogen, đồng thời hạ độ cao
bóng đèn từ sát trần nhà xuống thấp hơn 1,2m. Với cách làm như vậy, DN đã giảm
được hơn 1/3 số lượng bóng đèn, nhưng độ chiếu sáng tốt hơn trước rất nhiều.
Đánh giá về những biện pháp TKNL tại Đà Nẵng, ông Vinh cho biết: "Với những biện pháp triệt để, nhận được sự đồng thuận cao của DN, cho đến nay, khi đi được gần hết chặng đường của dự án, những mục tiêu đề ra đã gần như hoàn thành. Hết năm nay, khi dự án kết thúc, dự kiến kết quả đạt được sẽ còn cao hơn những mục tiêu ban đầu".
Theo Báo KTVN