Saturday, 23/11/2024 | 16:04 GMT+7
Tại hội thảo, ông Đặng Hoàng An,
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đầu tư cho ngành
điện hằng năm rất lớn, chiếm từ 6% đến 7% đầu tư toàn xã hội. Vì vậy,
Việt Nam đã có đến 95% số xã có điện, so với 45% của Ấn Độ. Tuy nhiên
tại sao chúng ta vẫn luôn trong tình trang căng thẳng về điện sản xuất
cũng như tiêu dùng.
Ông An cho rằng, trong những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn
biến phức tạp khiến các nhà máy thủy điện không thể hoạt động hết công
suất. Chẳng hạn, từ năm 2009 đến nay, các nhà máy thủy điện chưa bao
giờ chứng kiến một mùa lũ, lượng nước vẫn thường ở mực nước chết. Ông
An cảnh báo: “đến vụ Đông Xuân năm nay, không ngoại trừ khả năng chúng
ta sẽ phải hy sinh điện để dành nước cho sản xuất nông nghiệp”.
Vì vậy, đại diện ngành điện kiến nghị, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách đầu tư, điều chỉnh giá điện nhằm phản ánh đúng hiệu quả sản xuất và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ sạch để tiết kiệm điện. Ông An cũng cho rằng, các ngành tiêu thụ nhiều điện năng, như thép cũng cần tính toán lại, tránh cấp thép tràn lan…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế ngoài ngành điện thì chưa hoàn
toàn nhất trí với những ý kiến đề xuất từ trong ngành. Tiến sĩ Nguyễn
Quang A cho rằng chúng ta chỉ cần sắp xếp lại ngành điện là cũng có thể
bảo đảm cung ứng điện ổn đinh.
Theo ông Quang A, hiện nay muốn phát triển bền vững ngành điện cần
tách thành bốn mảng. Thứ nhất là mảng phát điện cần được tự do hóa tối
đa, giao thị trường tự điều tiết. Mảng thứ hai là truyền tải không có
cạnh tranh thì Nhà nước cần phải nắm và đầu tư để điều tiết thị trường
và làm công ích. Đối với mảng các nhà phân phối ở địa phương thì vừa
phải mang tính thị trường, vừa phải bảo đảm sự kiểm soát của Nhà nước.
Nhưng Nhà nước ở đây chỉ nên đóng vai trò kiểm soát, không nên can
thiệp quá sâu vào thị trường. Cuối cùng Nhà nước có thể cho hình thành
các nhà bán buôn và để họ tự cạnh tranh với nhau.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì cho rằng, ngành điện cần đầu tư lớn nhưng đã thiếu một chiến lược tài chính cho phát triển. Cho nên ngành điện luôn trong tình trạng thiếu tiền. Đồng tình với nhiều chuyên gia kinh tế khác, ông Ánh cũng cho rằng, cách tính điện ưu tiên 100 số đầu như hiện nay cần phải bỏ ngay vì quá bất cập. Ông giải thích, thực chất cách tính này là nhằm hỗ trợ người dân nghèo nhưng vô hình trung lại trợ cấp cho cả người giàu. Vì vậy Nhà nước cần “tách tiền hỗ trợ” này ra khỏi giá điện và chuyển thẳng tiền hỗ trợ này đến đúng tay người cần…
Hội thảo cũng đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều. Báo Nhân Dân điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong thời gian tới.
Trí Nhân VOV