Thursday, 07/11/2024 | 23:45 GMT+7
Đây là phiên đối thoại chính sách giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với Phái đoàn EU tại Việt Nam hướng tới giải ngân đợt 3, trong khuôn khổ hiệp định tài chính cho Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển ngành năng lượng và Tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo (ESPSP)”, do EU tài trợ.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam - Ngài Pier Giorgio Aliberti, cho biết: Với năng lực và trình độ phát triển của mình, tham vọng phát triển năng lượng của EU là rất lớn, bao gồm cả việc mở rộng hỗ trợ phát triển ra bên ngoài, trong đó có việc hợp tác, hỗ trợ tiếp cận năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Để có cơ sở báo cáo trung ương EU quyết định mức độ giải ngân, đại diện Phái đoàn EU đã đặt ra những vấn đề liên quan đến giải quyết các thách thức về cải cách kinh tế vĩ mô, quản lý tài chính công, thực hiện chiến lược và chính sách phát triển năng lượng bền vững... và đề nghị phía Việt Nam giải đáp.
Đối thoại chính sách năng lượng Việt Nam - EU tại Hà Nội
Tại cuộc đối thoại, hàng loạt vấn đề Phái đoàn EU đặt ra, đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng, giải đáp cụ thể, cung cấp đầy đủ thông tin.
Trong đó, liên quan đến Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045, phía EU quan tâm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, theo chỉ đạo của Chỉnh phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55/NQQ-TW của Bộ Chính trị, xin ý kiến các bộ, ngành... và đã báo cáo bước đầu cho Chính phủ.
Về lộ trình và định hướng xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia 2021-2030, định hướng đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai xây dựng và đã có nhiều mục nội dung đã được chuẩn bị đúng lộ trình, tới đây Bộ Công Thương sẽ chia sẻ thông tin và phối hợp với EU trong việc tham vấn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hoàng Quốc Vượng:
Phát triển năng lượng của Việt Nam cần có nhiều nguồn lực. Với mục tiêu tiếp cận năng lượng bền vững cho mọi người, ESPSP đóng vai trò quan trọng giúp Chính phủ thực hiện mục tiêu điện khí hóa nông thôn, hỗ trợ Bộ Công Thương thực hiện các hoạt động thúc đẩy phát triển ngành năng lượng bền vững.
Đối với phát triển nhiệt điện phái đoàn EU quan tâm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong qui hoạch điện VIII tới đây, Việt Nam sẽ chỉ duy trì các dự án nhiệt điện đã được bổ sung theo Qui hoạch điện VII điều chỉnh, đồng thời chuyển nhiệt điện than sang nhiệt điện khí...
Về phát triển điện gió, hiện Bộ Công Thương cũng đã và đang hợp tác với phía Đan Mạch để nghiên cứu, tính toán đầu vào cho Qui hoạch điện VIII đối với điện gió ngoài khơi.
Đối với cơ chế giá FIT cho các dự án điện năng lượng tái tạo, mặc dù qua thời gian áp dụng cơ chế này đã góp phần thúc đẩy các dự án điện năng lượng tái tạo (điệ gió, điện mặt trời) phát triển, song nó cũng có những hạn chế, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đề xuất Chính phủ tới đây áp dụng cơ chế đấu thầu phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo thay thế cho cơ chế giá FIT. Dự kiến cuối năm 2021, việc hiện các dự án điện mặt trời và điện gió sẽ thông qua đấu thầu.
Để giải quyết các thách thức vĩ mô, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách phù hợp không chỉ kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, mà còn tiếp tục giữ vững được ổn định nền kinh tế vĩ mô. Chính phủ đang tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công... quyết liệt, hiệu quả hơn để hồi phục nhanh nền kinh tế hậu dịch Covid-19.
Đề cập đến hoạt động hợp tác thời gian tới theo chương trình “Chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam - EU” (SETP) thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường..., Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, đề xuất về chủ trương đầu tư trong khuôn khổ SETP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến cuối tháng 6 hoặc tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trao đổi chi tiết với EU về dự thảo hiệp định tài chính.
Theo Báo Công Thương