Friday, 22/11/2024 | 14:57 GMT+7

Việt Nam - Séc: Kết nối doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng

21/02/2023

Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050. Chính vì vậy, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Cộng hòa Séc trong lĩnh vực năng lượng, một lĩnh vực trọng yếu và đang nhận được mối quan tâm đặc biệt.

Ngày 20/2 tại Hà Nội, Bộ Công Thương Cộng hòa Séc, Bộ Công Thương Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn năng lượng Séc - Việt Nam. Diễn đàn nhằm định hướng phát triển ngành năng lượng và lộ trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm tới mở ra nhiều cơ hội hợp tác dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Cộng hòa Séc.
Diễn đàn năng lượng Séc - Việt Nam diễn ra chiều 20/2, tại trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho biết: Dự báo nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo tiếp tục tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo như: Thuỷ điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối, cùng các loại hình năng lượng mới trong cơ cấu nguồn điện quốc gia. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh mục tiêu tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế thông qua chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Tiềm năng và triển vọng chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
Được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia có tiềm năng lớn nhất về năng lượng tái tạo, Việt Nam cũng đang hướng tới xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để vừa tận dụng tài nguyên về năng lượng tái tạo vừa giảm giá thành sản xuất điện.
Theo những định hướng phát triển đó, ngành năng lượng và chương trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam trong những năm tới chứa đựng nhiều cơ hội để các bên chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm, Đồng thời mang đến khả năng hợp tác rất lớn dành cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp năng lượng nước ngoài, trong đó có Cộng hòa Séc, một quốc gia có thế mạnh về năng lượng.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh: “Cộng hòa Séc là quốc gia có thế mạnh truyền thống về công nghệ năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác mỏ, có ngành cơ khí chế tạo phát triển, có tiềm lực mạnh về khoa học - công nghệ. Việt Nam là quốc gia có nhu cầu điện/nhu cầu năng lượng tăng nhanh và đang có kế hoạch chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ. Từ hai nhận định đó, có thể thấy tiềm năng hợp tác về năng lượng của hai bên có rất nhiều không gian để phát triển”.
Ông Jozef Síkela - Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc phát biểu tại diễn đàn.
Trước những chia sẻ này từ phía Việt Nam, Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc, ông Jozef Sikela cũng cho biết: “Cộng hòa Séc coi Việt Nam là người bạn rất thân thiết, đối tác cùng chí hướng và là một trong những thị trường quan trọng nhất bên ngoài châu Âu. Chúng tôi rất quan tâm đến việc mở rộng quan hệ đối tác lâu dài giữa EVN và các công ty của Séc trong lĩnh vực kỹ thuật năng lượng và chia sẻ bí quyết về chuyển đổi năng lượng nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII”.
Cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam - Séc
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN thông tin: Hện nay quy mô công suất nguồn điện của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam hiện nay, thủy điện chiếm 29%, năng lượng tái tạo chiếm 26%, nhiệt điện than chiếm 33%. Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ là đòn bẩy cho giai đoạn tăng trưởng sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi xanh hậu Covid-19 thông qua khuyến khích tăng cường đầu tư mới, tạo ra những việc làm mới và gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Từ thực tiễn này, ông Võ Quang Lâm cho rằng: Diễn đàn là cơ hội để các bên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và nắm bắt các xu hướng mới về công nghệ than, chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện mở ra các cơ hội hợp tác giữa EVN và các đối tác từ Cộng hòa Séc, giúp ích cho việc phát triển ngành năng lượng của 2 quốc gia.
"Diễn đàn là cơ hội để các bên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và nắm bắt các xu hướng mới về công nghệ than, chuyển dịch năng lượng "Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu tại diễn đàn.
Trước những linh vực tiềm năng hai bên có thể hợp tác, Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Séc, ông Jozef Sikelacũng cũng cho biết thêm, các công ty của Séc có thể giúp các đơn vị tại Việt Nam nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện, củng cố hệ thống giám sát và an ninh mạng hoặc cung cấp các thiết bị cho năng lượng tái tạo. Ngoài ra, những kinh nghiệm về phát triển lưới điện truyền tải, hạ tầng Công nghệ thông tin, Trung tâm dữ liệu năng lượng và các hệ thống năng lực cân bằng phi tập trung.
Khánh An