Friday, 22/11/2024 | 04:08 GMT+7

Họp Ban Điều phối lần thứ hai Dự án IEEP

14/08/2024

Cuộc họp nhằm đánh giá tiến độ thực hiện các hoạt động trong năm 2024 và thông qua kế hoạch thực hiện năm 2025 của Dự án.

Sáng ngày 14 tháng 8 năm 2024, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra cuộc họp Ban Điều phối lần thứ hai Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam” (Dự án IEEP). Dự án do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triền bền vững phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU).
Cuộc họp do bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương và bà Kristina Bünde, Trưởng Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đồng chủ trì. Cuộc họp nhằm mục đích đánh giá tiến độ thực hiện các hoạt động trong năm 2024 và thông qua kế hoạch thực hiện năm 2025 của Dự án.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ Trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết: Theo Điều khoản tham chiếu được thông qua tại cuộc họp lần thứ nhất ngày 31 tháng 8 năm 2023, Ban Điều phối Dự án được thành lập và tiến hành họp hàng năm để đưa ra các hướng dẫn về chính sách và chiến lược, điều phối cũng như hỗ trợ truyền thông và phổ biến các kết quả của Dự án. Ban Điều phối sẽ xem xét, đánh giá các kết quả thực hiện dự án hàng năm và định hướng và thông qua kế hoạch thực hiện dự án cho năm tiếp theo.
Cuộc họp lần thứ hai của Ban Điều phối Dự án được tổ chức nhằm đánh giá tiến độ thực hiện các hoạt động của Dự án trong năm 2024 và thông qua kế hoạch thực hiện năm 2025. 
“Tôi hi vọng rằng cuộc họp sẽ nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Điều phối Dự án để có được những đánh giá, góp ý, nhằm đảm bảo sự phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai các hoạt động của Dự án trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết.
Bà Kristina Bünde, Trưởng Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam 
Về phía Trưởng Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, bà Kristina Bünde cho biết: Dự án IEEP tập trung vào cải thiện khung quy định và nâng cao năng lực thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp. Dư án mong muốn đóng góp vào mục tiêu của Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) cũng như mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng bằng không năm 2050.
“Cuộc họp Ban Điều phối lần thứ hai là một phần quan trọng trong cơ cấu quản lý của Dự án, nhằm rà soát tiến độ thực hiện, thảo luận và giải quyết vấn đề vướng mắc để thúc đẩy các hoạt động triển khai Dự án”, bà Kristina Bünde nhấn mạnh.
Dự án IEEP đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Văn kiện tại Quyết định số 2456/QĐ-BCT ngày 3 tháng 11 năm 2021. Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triền bền vững phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án.
Thỏa thuận tài trợ cho Dự án IEEP đã được ký kết giữa Phái đoàn EU tại Việt Nam và UNIDO và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2023. 
Dự án IEEP bao gồm 3 hợp phần, gồm Hợp phần 1: Tăng cường khung thể chế và chính sách. Hợp phần 2: Chương trình xây dựng năng lực; Hợp phần 3: Thực hiện các dự án về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống.
Các hoạt động của 3 hợp phần Dự án được triển khai từ tháng 10/2023 đến nay và đều đang được đẩy nhanh tiến độ.
Báo cáo tiến độ thực hiện các hợp phần, ông Sanjaya Shrestha, Quản lý Dự án UNIDO cho biết: về Hợp phần 1 (Tăng cường khung thể chế và chính sách), Dự án đang xây dựng Bản thảo các quy định kỹ thuật về kiểm toán năng lượng; hoàn thành 02 bản thảo hướng dẫn kỹ thuật về tối ưu hóa hệ thống hơi và hệ thống khí nén; hoàn thành Điều khoản tham chiếu và bắt đầu thực hiện quy trình mua sắm dịch vụ cập nhật hướng dẫn về hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL); bản thảo TCVN ISO 50005 đang được gửi cho các bên liên quan để góp ý; 151 đại diện từ các tổ chức Chính phủ, tổ chức tư vấn và doanh nghiệp công nghiệp được nâng cao kiến thức về ISO 50001 và các ISO khác có liên quan; 74 cán bộ quản lý từ các cơ quan nhà nước, công ty dịch vụ TKNL, viện, trường công nghệ, tổ chức tài chính, ngân hàng, tổ chức chứng nhận tham gia hội thảo nâng cao nhận thức về HTQLNL và tối ưu hóa hệ thống; thiết lập và vận hành mạng trao đổi thông tin giữa các chuyên gia và các doanh nghiệp công nghiệp tham gia các khóa đào tạo,...
Ông Sanjaya Shrestha, Quản lý dự án UNIDO
Ở Hợp phần 2 (Thực hiện các chương trình xây dựng năng lực), bà Phạm Thị Nga, Cố vấn Kỹ thuật Dự án cho biết: Dự án đã cập nhật tài liệu đào tạo, phần mềm và công cụ về hệ thống quản lý năng lượng; 68 chuyên gia và 51 cán bộ quản lý năng lượng từ các doanh nghiệp công nghiệp được đào tạo về HTQLNL; tài liệu đào tạo về tối ưu hóa hệ thống hơi và khí nén đã được cập nhật; chương trình đào tạo và tài liệu đào tạo về tối ưu hóa hệ thống làm lạnh và mát đang được xây dựng; 64 chuyên gia và 122 cán bộ doanh nghiệp công nghiệp được đào tạo về tối ưu hóa hệ thống hơi nước và khí nén,...
 
Bà Phạm Thị Nga, Cố vấn Kỹ thuật Dự án IEEP
Về Hợp phần 3 (Thực hiện các dự án về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống), Dự án đang tập trung vào việc lựa chọn và thực hiện các dự án trình diễn về HTQLNL, tối ưu hệ thống hơi và khí nén. Các dự án nhân rộng về HTQLNL và tối ưu hóa hệ thống trong các doanh nghiệp công nghiệp, các dự án thúc đẩy và hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2025 trở đi.
 Các đại biểu tham dự cuộc họp
Lắng nghe báo cáo kết quả đạt được của các hợp phẩn, bà Nguyễn Thị Lâm Giang ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần phải khắc phục. Bà Nguyễn Thị Lâm Giang đề nghị, Dự án cần phân bổ triển khai các hoạt động đồng đều hơn, và  trong báo cáo cần dự kiến được mức độ hoàn thành theo mục tiêu thực hiện các hoạt động của Dự án tính đến hết năm 2024.
Đồng quan điểm, bà Kristina ​Bünde - Trưởng Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Dự án trong việc thực hiện các hoạt động trong thời gian vừa qua. Bà Kristina ​Bünde cũng đề xuất, các khóa đào tạo cần có thêm những đánh giá về chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Quản lý Dự án đã trình bày Kế hoạch hoạt động năm 2025 của từng hợp phần với những nội dung cụ thể, chi tiết.
Sau khi thảo luận, Ban Điều phối đề nghị Văn phòng Dự án hoàn thiện văn bản theo các góp ý của đại biểu tại cuộc họp và gửi các đồng chủ tịch thông qua.
Kết thúc cuộc họp, bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu tham dự cuộc họp, đồng thời cảm ơn Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương và Liên minh Châu Âu đã luôn đồng hành cùng Dự án.
 Một số hình ảnh tại cuộc họp:
 Bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam 
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội KH&CN Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
 Các đại biểu đóng góp ý kiến tại cuộc họp
​​
Mai Anh - Phương Loan