Friday, 15/11/2024 | 03:09 GMT+7
Theo chuyên san Nature Nanotechnology, các nhà khoa học thuộc trường Bách khoa Lausanne (Thụy Sĩ) vừa nghiên cứu thành công một loại vật liệu từ khoáng vật molybdenite (MoS2) có thể giúp chế tạo ra các bộ vi mạch nhỏ hơn và tiết kiệm điện hơn nhiều so với hiện nay. Giáo sư Andras Kis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đây là vật liệu hai chiều, rất dễ sử dụng trong công nghệ nano. Từ đó, chúng ta có thể sản xuất những bộ vi mạch cực nhỏ hay các đi-ốt phát quang (LED)”.
Molybdenite là một chất bán dẫn rất hiệu quả. Loại khoáng vật này vẫn còn trữ lượng khá lớn trong tự nhiên. So với các chất liệu truyền thống silicium hay graphen, molybdenite nhỏ gọn hơn vì chỉ 2 chiều. Trên một tấm màng dày 0,65 nanomét làm từ molybdenite, các electron vẫn di chuyển dễ dàng như một tấm màng silicium 2 nanomét. Ngoài ra, các bộ vi mạch làm từ loại khoáng vật này có thể giúp tiết kiệm điện đến 100.000 lần so với làm từ silicium.
Theo TNO