Saturday, 23/11/2024 | 07:40 GMT+7

Nghiên cứu chế tạo đèn năng lượng mặt trời

19/07/2011

Quá trình biến đổi năng lượng ánh sáng mặt trời thành điện năng thông qua màng bán dẫn silic đơn tinh thể, được chế tạo tại phòng thí nghiệm công nghệ nano, theo phương pháp khuếch tán.

PGS.TS Nguyễn Khánh Dũng, PGS.TS Trần Thông, ThS Đỗ Quốc Huy, ThS Lê Ngọc Cẩn, Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM, TS Nguyễn Trần Thuật - Phòng thí nghiệm công nghệ nano (Đại học quốc gia TP. HCM) đã nghiên cứu chế tạo các đèn điện công suất nhỏ dùng cho cá nhân, gia đình như đèn pin, đèn ngủ, đèn xách tay… sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời.

2321f905c_den150711.jpg
   
Quá trình biến đổi năng lượng ánh sáng mặt trời thành điện năng thông qua màng bán dẫn silic đơn tinh thể, được chế tạo tại phòng thí nghiệm công nghệ nano, theo phương pháp khuếch tán.

Bước đầu, nhóm nghiên cứu đã chế tạo được một số mẫu đèn pin 1,5V - 50 mW và đèn ngủ, đèn xách tay 4,5V - 200 mW (các thông số được đo tại Phòng thí nghiệm vật lý đại cương Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM). Cường độ sáng của các đèn này khoảng 105 lux ở khoảng cách 10 cm (đo tại trung tâm quang năng, Công ty Cổ phần điện tử và dịch vụ Sài Gòn). Độ chiếu xa của đèn pin là 10 m. Đèn có thể phát sáng liên tục từ 2 đến 3 giờ, sau khi đã sạc điện bão hòa. Tuổi thọ của đèn sạc không dưới 36 tháng (theo nhà cung cấp pin sạc). Độ tỏa sáng của đèn trong khoảng bán kính 1,5 m. Các chỉ tiêu kỹ thuật của các loại đèn do nhóm chế tạo là tương đương với các loại đèn của Trung Quốc mà nhóm hiện có (mua từ Pháp).

 Đèn năng lượng mặt trời rất thích hợp cho những người đi lại ở khu vực không có điện như miền núi, hải đảo, thôn quê; đèn cũng được dùng để đọc sách báo, học tập ban đêm… Nhu cầu sử dụng các loại đèn này ở nước ta là rất lớn, đặc biệt trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hiện nay. Do đó, nếu được đầu tư sản xuất, sẽ có hiệu quả kinh tế, vì giá thành sẽ rẻ hơn nhiều so với đèn của nước ngoài (ở Pháp, đèn pin có giá bán từ 10 đến 20 EU, đèn sách tay từ 25 đến 30 EU).

Thúy Hằng