Các nhà khoa học của Khoa Kỹ thuật vi hệ thống thuộc Trường Đại học Freiburg (CHLB Đức) đang chế tạo một loại tế bào nhiên liệu sinh học có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho các thiết bị cấy ghép bằng cách sử dụng lượng đường trong máu của chính bệnh nhân.
Các nhà khoa học sử dụng kim loại quý như bạch kim hoặc một kim loại tương tự đã được khử trùng để làm điện cực của các thiết bị. Các kim loại này vừa không nhạy cảm với phản ứng hóa học không mong muốn, bao gồm cả thủy phân và ôxy hóa, đồng thời vừa có thể làm thành chất xúc tác bằng cách kích hoạt một phản ứng điện liên tục giữa glucose trong máu và ôxy từ dịch mô xung quanh. Sau đó, họ phủ lên các bề mặt cấy ghép một lớp phủ mỏng của các tế bào nhiên liệu để sử dụng lượng điện này nhằm vận hành thiết bị.
Lâu nay, các thiết bị cấy ghép trong cơ thể (như máy trợ tim, máy điều hòa nhịp tim…) thường phải chạy bằng pin và sau một thời gian cần phải phẫu thuật để nạp năng lượng cho thiết bị hoặc đòi hỏi phải có dụng cụ nạp điện liên tục từ ngoài cơ thể, rất bất tiện. Vì thế, nghiên cứu này đang được hoàn thiện để hy vọng có thể cấp năng lượng cho các thiết bị cấy ghép vô thời hạn.
Theo Người Lao Động