Friday, 15/11/2024 | 23:33 GMT+7

Nhiên liệu từ cây cỏ

11/03/2013

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, có hàng trăm loài cây ở Việt Nam có hàm lượng dầu béo cao, có thể nghiên cứu để ép dầu làm nhiên liệu sinh học.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, có hàng trăm loài cây ở Việt Nam có hàm lượng dầu béo cao, có thể nghiên cứu để ép dầu làm nhiên liệu sinh học.

edd399c6a_download_1.jpg

Tiềm năng nhiên liệu mới

 PGS.TS Trần Minh Hợi, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết, hệ thực vật Việt Nam rất đa dạng và phong phú, trong đó hơn 600 loài có khả năng tích lũy dầu béo ở quả, hạt hoặc thân rễ…với hàm lượng tương đối cao. Dầu béo từ thực vật được coi là nguồn nguyên liệu có nhiều triển vọng trong công nghiệp chuyển hóa thành nhiên liệu sinh học như biodiezen.

Biodiezen còn được gọi Diezen sinh học, là một loại năng lượng sạch. Chúng không độc và dễ phân giải trong tự nhiên. Diezen sinh học có thể thay thế hoàn toàn dầu diezen trong các động cơ đốt trong (B100) hoặc pha với diezen dầu mỏ ở một tỉ lệ nhất định.

Biodiezen chứa một lượng cực nhỏ lưu huỳnh, 11% oxy, nên cháy sạch hơn, phân huỷ sinh học nhanh, ít gây ô nhiễm nguồn nước và đất. So với việc sử dụng xăng dầu thì làm giảm được 70% khí CO2 và gần 30% khí độc hại. Có nhiều loại cây có triển vọng ép lấy dầu nhiên liệu như cây cọc rào, cây diesel, cây lai…

Phủ xanh vùng đất xấu

Những năm trở lại đây, cây cọc rào đã được mở rộng trồng ở nhiều vùng đất bạc màu trên cả nước. Mới đây, một loài cây lấy dầu cũng được nghiên cứu và trồng ở Việt Nam – cây dầu lai.

Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã nghiên cứu quy trình biến dầu cây thành nhiên liệu sinh học từ cây dầu lai. Từ đó mở ra định hướng khai thác có hiệu quả nguồn dầu hạt và nâng cao giá trị sử dụng nguồn lợi từ tài nguyên thực vật Việt Nam. Dầu lai là cây gỗ lâu năm, mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền núi, trung du miền Bắc nước ta, dễ phát triển. Tỉ lệ dầu trong hạt 68,93%.

Cây Dầu lai vốn được sử dụng để chế tạo nhiên liệu diesel sinh học, có thể thay thế cho dầu DO trong các động cơ chạy máy dầu như: xe tải, tàu thuyền, xe lửa… và quan trọng nhất nó không ảnh hưởng đến môi trường. Mặt khác, lá của cây dầu lai có thể cải tạo lại những vùng đất cát, tạo chất mùn cho đất, giữ ẩm, giữ nước cho mặt đất, đồng thời ngăn chặn hiện tượng cát chạy, sa mạc hóa đất đai.

Theo ông Nguyễn Bá Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Nhiên liệu sinh học quốc gia, quan trọng nhất là cây dầu lai sẽ được trồng và phát triển ở những vùng đất trống đồi trọc, khô hạn đang còn bỏ hoang. Tại những vùng đất này, chính cây dầu lai sẽ mang lại cho người trồng việc làm và thu nhập.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu trồng cây dầu lai, nông dân sẽ có thu nhập từ 20 – 25 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí khoảng 40% bao gồm công chăm sóc, hái lượm, phân bón, lợi nhuận còn lại khoảng 11 – 15 triệu đồng, sản xuất cây dầu lai sẽ có tính lâu dài và có xu hướng tăng, vì giá dầu ngày càng tăng.

Vấn đề quan trọng hơn là các địa phương cần tính toán đến đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng người dân ồ ạt trồng cây rồi không bán được, dẫn đến bị ép giá.

 Theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường