Friday, 15/11/2024 | 15:34 GMT+7

Phân gấu trúc tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học mới

16/09/2013

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH bang Mississippi chỉ ra, nhiều loại vi khuẩn tồn tại trong phân của gấu trúc có khả năng tạo ra nhiên liệu sinh học.

Theo các nhà khoa học, vi khuẩn trong phân gấu trúc là "chìa khóa vàng" trong việc tạo ra nguồn nhiên liệu sinh học mới.

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc ĐH bang Mississippi chỉ ra, nhiều loại vi khuẩn tồn tại trong phân của gấu trúc có khả năng tạo ra nhiên liệu sinh học. 

Nghiên cứu này mở ra hướng đi mới cho ngành công nghệ năng lượng khi các phương pháp trước đây là tận dụng sản phẩm sau mỗi mùa thu hoạch (ngô, đậu tương...), trải qua khâu xử lý phức tạp để chuyển thành lignocellulose, cuối cùng mới tạo ra được nhiên liệu sinh học có hiệu suất không cao.

31dd4aaef_1885_cr_523147435622b.jpg

Các nhà khoa học đã nghiên cứu 40 loại vi khuẩn từ phân của 2 con gấu trúc trong vườn thú Memphis. Họ nhận thấy, một số loại vi khuẩn này tiết ra các enzyme có khả năng nhanh chóng phân cắt lignocellulose thành các phân tử đường đơn. Từ đó chúng sẽ lên men và biến đổi thành rượu ethanol sinh học (một loại nhiên liệu quan trọng) hoặc chuyển hóa thành dầu, chất béo để tạo ra dầu diesel sinh học.  

Hiệu suất của phản ứng này khá cao, kết hợp với thời gian phân hủy ngắn chính là điểm mạnh giúp các loại vi khuẩn này có thể chuyển hóa được lượng gỗ, lá thực vật thành nguồn nhiên liệu hữu ích.

Tiến sĩ Ashli ​​Brown - người dẫn đầu nghiên cứu cho biết: "Nguyên nhân chính khiến chúng tôi chú ý, tập trung tìm hiểu về các loại vi khuẩn nằm trong ruột và phân gấu trúc xuất phát từ thói quen ăn uống của gấu trúc. Món ăn gần như duy nhất của gấu trúc chính là cành non và lá trúc".

Theo tiến sĩ Brown, đây là nguồn thức ăn vô cùng nghèo nàn về chất dinh dưỡng, vậy mà gấu trúc vẫn có thể phát triển đầy đủ, khỏe mạnh. Điều đó chứng tỏ, các vi khuẩn tồn tại trong ruột gấu trúc có khả năng phân hủy thức ăn nhanh chóng cùng hiệu quả cao, tận dụng được tối đa từng phần dinh dưỡng nhỏ nhất trong mỗi lượng cành, lá trúc mà nó tiêu hóa. 

Vì vậy, các nhà khoa học tin rằng, đây chính là chiếc chìa khóa cho việc nâng cao hiệu suất chuyển hóa trong phản ứng tạo nhiên liệu sinh học mà phương cách hiện tại đang gặp nhiều hạn chế. 

Phát hiện này được kì vọng sẽ mở ra những hi vọng mới cho việc phát triển những nguồn năng lượng thay thế, phục vụ cuộc sống con người trong tương lai không xa.

 Lê My Theo The Telegraph