Friday, 15/11/2024 | 05:28 GMT+7

Phương pháp mới sản xuất nhiên liệu diesel sinh học từ mỡ cá sấu

25/03/2014

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Louisiana, Hoa Kỳ đã báo cáo phương pháp mới để sản xuất diesel sinh học từ mỡ động vật như mỡ cá sấu.

Tại Hội nghị quốc gia lần thứ 247 của Hội hóa học Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Louisiana, Hoa Kỳ đã báo cáo phương pháp mới để sản xuất diesel sinh học từ mỡ động vật như mỡ cá sấu.
 
TS Thomas Junk, một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết: việc chuyển đổi mỡ động vật thành diesel sinh học đã được thực hiện từ lâu, nhưng qui trình sản xuất diesel truyền thống phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn. Phương pháp mới gần như không tạo ra loại chất thải này.

b355c5758_dung_1.jpg
 
Theo kết luận của nghiên cứu, sử dụng mỡ từ các nguồn phổ biến như gà, lợn và bò, có thể thiết thực cho sản xuất thương mại hơn là từ khối lượng mỡ cá sấu có hạn và có hiệu quả chuyển đổi thành diesel sinh học.
 
TS Junk giải thích, trong nghiên cứu trước đây về mỡ cá sấu, họ đã sử dụng bể sinh học theo mẻ (batch reactor), nhưng trong nghiên cứu mới họ đã chuyển sang bể sinh học theo dòng (flow reactor) để xử lý mỡ. Vì thế, phản ứng biến đổi mỡ cá sấu thành diesel sinh học diễn ra chỉ trong vài phút. Điều đó quan trọng cho hoạt động sản xuất thương mại đòi hỏi phải sản xuất nhiều nhiên liệu trong thời gian ngắn nhất có thể. Với các bể sinh học theo mẻ, các phản ứng diễn ra đồng thời trong các mẻ riêng biệt. Nhưng trong bể phản ứng theo dòng chảy, các phản ứng diễn ra theo một dòng chảy liên tục.
 
Nhiên liệu được sản xuất từ mỡ nhiều loại động vật, rất giống với diesel sinh học sản xuất bằng các phương pháp truyền thống như sản xuất etanol từ ngô. Phương pháp mới không cần đến chất xúc tác, sinh ra chất thải. Thay vào đó, các nhà khoa học sử dụng metanol siêu tới hạn, được đốt nóng đến khi đạt áp suất và nhiệt độ đủ cao để có các đặc tính của chất lỏng và khí.
 
Lợi thế khác của phương pháp mới là mỡ không cần phải chiết tách, mà có thể được sử dụng ở dạng thô. Mỡ sống và metanol sẽ được biến đổi thành dạng bùn (hỗn hợp sệt) và bơm vào hệ thống. Đây là qui trình đơn giản, dễ thực hiện.
 
Trong nghiên cứu trước đây, nhóm nghiên cứu đã nhấn mạnh, gần 700 triệu galong diesel sinh học được sản xuất ở Hoa Kỳ (dữ liệu năm 2008) bắt nguồn từ đậu tương. Nhưng việc sử dụng đậu tương và các cây lương thực khác để sản xuất nhiên liệu đang gây nhiều lo ngại vì có thể làm tăng giá thực phẩm.
 
Trong quá trình tìm kiếm các nguyên liệu làm nhiên liệu sinh học thay thế, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng có thể sử dụng khối lượng lớn mỡ cá sấu được thải loại mỗi năm. Các thí nghiệm cho thấy, dầu chiết suất từ mỡ cá sấu có thể dễ dàng chuyển đổi thành diesel sinh học. Và hiện nay, các nhà nghiên cứu đang lập kế hoạch thử nghiệm mỡ của các động vật khác như mỡ gà và mỡ bò. Theo dự báo, những loại mỡ này cũng có thể dễ dàng được biến đổi thành diesel sinh học nhờ hệ thống bể sinh học theo dòng chảy.
 
Theo Physorg