Friday, 22/11/2024 | 17:56 GMT+7
Các nồi hơi truyền thống thường mất đến 90 phút làm nóng để phục vụ cho các hoạt động bốc dỡ và xử lý dầu mỏ. Tuy nhiên, các tuyến đường sắt, phương tiện chuyên chở dầu mỏ chính của thế giới hiện nay, thường không đảm bảo thời gian chính xác 100%. Điều này có thể gây ra sự lãng phí điện năng rất lớn, do phải chờ các thùng dầu được chở tới.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia năng lượng tại Mỹ đã chế tạo ra một loại lò hơi mô-đun mới với nhiều tính năng ưu việt, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng tiêu thụ năng lượng trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả xử lý dầu mỏ.
Điểm nổi bật của công nghệ mới này chính là thiết kế kiểu mô-đun. Mỗi một lò sẽ bao gồm nhiều mô-đun xử lý nhỏ gọn có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp đồng thời thành từng nhóm. Căn cứ vào tổng dung lượng dầu mỏ được vận chuyển đến, người điều khiển sẽ lựa chọn công suất sao cho phù hợp nhất, thay vì phải cho lò hoạt động hết công suất như trước đây, gây ra lãng phí năng lượng không cần thiết.
Tính trung bình, lò hơi mô-đun chỉ tiêu thụ khoảng 60 nghìn BTU cho mỗi giờ vận hành, so với mức 240 nghìn BTU/h của lò hơi truyền thống. Điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm tới 75% điện năng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, lò hơi mô-đun thế hệ mới còn có khả năng khởi động và làm nóng siêu tốc, trong thời gian chỉ từ 5 đến 10 phút. Từ đó, hạn chế tối đa tình trạng chờ của lò với tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trong thời gian chờ có thể lên đến 94%. Bên cạnh đó, khoảng thời gian chờ tiết kiệm được này còn đồng nghĩa với việc giảm thiểu một lượng lớn chi phí kho bãi dành cho việc bốc dỡ các thùng dầu.
Trên cơ sở những thành công bước đầu, trong thời gian tới, các nhà khoa học Mỹ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các công nghệ có liên quan để mở rộng phạm vi ứng dụng của lò hơi dạng mô-đun trong các ngành công nghiệp khác như: chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hoá chất... Họ cũng kỳ vọng hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong các ngành này có thể đạt từ 20% trở lên.
Trường Duy (Theo Plant Engineering)