Friday, 08/11/2024 | 13:57 GMT+7
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund University, Thụy Điển đã phát triển thiết bị lọc nước sử dụng pin mặt trời để cung cấp nước sạch cho người dân ở vùng sâu vùng xa, nơi vẫn chưa có kết nối lưới điện.
Với sự giúp đỡ của Muhammad Yunus, người từng nhận Giải Nobel Hòa Bình, các trạm pin mặt trời di động với kích thước nhỏ đã được lắp đặt ở nhiều vùng nông thôn Bangladesh.
Kenneth M. Persson, giáo sư tại trường Đại học Lund University cho biết: “Có 750 triệu người thiếu nước sạch trên khắp thế giới. Cung cấp đủ nước uống là một trong những thách thức lớn nhất và cũng là mục tiêu quan trọng nhất của nhân loại.”
Doanh nghiệp môi trường Watersprint, thành lập vào năm 2013 bởi Kenneth M. Persson và kĩ sư Ola Hansson đã đăng ký bằng sáng chế công nghệ lọc nước thông qua kết hợp giữa công nghệ UV-LED (tia cực tím - điốt phát quang), phần mềm thông minh và Wi-fi.
Thiết bị này có thể được kết nối qua Wi-fi và trang bị phần mềm theo dõi. Trong trường hợp có trục trặc, thiết bị sẽ phát ra cảnh báo qua tin nhắn tới bất cứ điện thoại nào kết nối với nó cũng như qua các đèn LED được tích hợp.
Hệ thống có hiệu điện thế 12 vôn này hiệu quả đến mức có thể vận hành chỉ bằng một tấm pin mặt trời. Các tế bào quang điện tự sạc pin cho mình, đồng nghĩa với việc thiết bị có thể sử dụng suốt cả ngày mà không cần phải kết nối với nguồn điện.
Muhammad Yunus và Trung tâm Yunus của mình đã đặt hàng các thiết bị di động nói trên để phục vụ một dự án của mình. Hồi tháng 10, đơn vị lọc nước di động đầu tiên đã được lắp đặt tại Bangladesh.
Tập hợp các đơn vị lọc nước này được gọi là những Trung tâm sản xuất quy mô nhỏ (MPC), quản lý bởi các nhà cung cấp địa phương, góp phần tạo công ăn việc làm cho thanh thiên và người thất nghiệp. Họ vận hành các thiết bị, bán nước để đổi lấy đôi chút thu nhập.
Giáo sư Kenneth M. Persson cho biết: “Nhờ các thiết bị di động, người dân giờ có thể mua nước sạch với giá rẻ, một số người còn có thể kiếm được đôi chút thu nhập nhờ vận hành chúng.”
Công ty Watersprint gần đây đã kí hợp đồng với Liên Hợp Quốc để lắp đặt 500 đơn vị lọc nước tại Bangladesh.
Được biết, một phần không nhỏ dân số Bangladesh hiện đang phải sử dụng nước nhiễm độc thạch tín.
Hạnh Nguyễn (Theo phys.org)