Friday, 08/11/2024 | 10:59 GMT+7

2 học trò Đà Nẵng sản xuất điện từ... cây xanh

27/05/2016

Với sáng chế của 2 học sinh lớp 11 này, nguồn năng lượng sạch từ đất và cây xanh có thể được tận dụng tối đa và thậm chí có giá thành rẻ hơn năng lượng Mặt trời.

Sau nửa năm tìm hiểu, nghiên cứu và thực nghiệm,Lê Đình Duy và Mai Ngọc Hân (học sinh lớp 11/7 trường THPT Phan Châu Trinh – Đà Nẵng) đã sáng tạo thành công mô hình “Năng lượng cây xanh” từ những nguyên liệu tự nhiên. Với ý tưởng độc đáo, đây được xem là một dự án có tiềm năng ứng dụng, tạo ra nguồn năng lượng xanh – sạch và an toàn trong thời điểm hiện nay.

Mô hình "Năng lượng cây xanh" (Ảnh nhân vật cung cấp).

Loại “pin sinh học” này được Duy và Hân tạo ra dựa trên cơ chế hoạt động của các phản ứng sinh – hóa học. Trong mô hình hiện tại, Duy và Hân đang sử dụng các loại cây họ đậu trồng trong đất pha với tro để tạo ra nguồn điện.

Theo đó, cây xanh trong quá trình quang hợp sẽ hấp dẫn các vi sinh vật phân giải, trong đó một số nhóm vi sinh vật tiết ra enzym để phân hủy đường do cây xanh tiết ra. Vì enzym là các protein xúc tác các phản ứng hóa học nên hoạt động này sẽ tăng tốc độ phản ứng hóa học lên gấp nhiều lần, đồng thời tạo ra nguồn điện trong lòng đất. Nếu kết nối với 2 bản cực trái dấu sẽ xuất hiện dòng điện 3,75V với hiệu điện thế 15 mili Ampe. Nguồn điện này đủ để thắp sáng các bóng đèn LED.

Lê Đình Duy và Mai Ngọc Hân bên cạnh dự án của mình tại VISEF 2016.

Lê Đình Duy cho biết: “Ưu điểm của mô hình là sử dụng nguồn năng lượng sạch từ tự nhiên. Nguồn năng lượng có thể tái tạo, hoạt động ổn định, có giá thành rẻ hơn năng lượng mặt trời, không phụ thuộc vào các điều kiện ngoại cảnh và phù hợp với điều kiện môi trường ở Việt Nam”.

Với những ưu điểm đó, mô hình của Duy và Hân đã đạt giải ba tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam dành cho học sinh trung học - VISEF 2016, đồng thời nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp chuyên về năng lượng xanh.

Bên cạnh những ưu điểm, theo Duy và Hân, dự án của các bạn vẫn còn những hạn chế như kích thước mô hình chưa đủ lớn, cũng như chỉ mới tạo ra nguồn điện có hiệu điện thế nhỏ,... Chính vì vậy, các bạn đang cố gắng để cải tiến dự án thành một sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi trên thực tế.

Theo Khám Phá