Monday, 25/11/2024 | 08:15 GMT+7

ISO 50001 – Công cụ Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế

31/07/2023

Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 là một công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) quản lý năng lượng (QLNL) theo hướng bền vững, giúp doanh nghiệp khai thác và sử dụng năng lượng hợp lý, giảm chi phí dành cho năng lượng tại các doanh nghiệp.

Tiết kiệm từ 10%-30% mức năng lượng tiêu thụ
Tiêu chuẩn ISO 50001 được Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) công bố ngày 15 tháng 6 năm 2011. ISO 50001 hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp cải thiện hiệu quả quản lý năng lượng đồng thời tối ưu hóa hoạt động năng lượng ở tất cả các quy trình.
Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý năng lượng tương ứng tiêu chuẩn ISO 50001 cũng đã được xây dựng và ban hành bao gồm: Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 (ban hành năm 2012), TCVN ISO 50001:2019 (ban hành năm 2019).
Thực tế, nhiều DNCN Việt Nam đang rất quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) và giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn hạn chế do các DN này còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về cách thức thực hiện, đặc biệt là các giải pháp tiếp cận mang tính hệ thống liên quan đến hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001 và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng chính trong các ngành công nghiệp. Các giải pháp được phần lớn các DNCN thực hiện trong thời gian vừa qua là những giải pháp đơn giản, tập trung vào từng thành phần riêng rẽ của các hệ thống sử dụng năng lượng chính như nồi hơi, máy nén, chiller, tủ lạnh, mô-tơ, máy bơm,…để cải thiện hiệu suất năng lượng khoảng từ 2%-5%. Trong khi đó, có rất ít DNCN thực hiện các giải pháp TKNL theo hướng tiếp cận như  hệ thống QLNL, tối ưu hóa hệ thống và phân tích chi phí thiết bị sử dụng năng lượng theo vòng đời, đây là những giải pháp có thể giúp các DNCN tiết kiệm được mức năng lượng cao hơn từ 10%-30%. 
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho biết: Nhằm giúp doanh nghiệp quản lý năng lượng theo hướng bền vững, Bộ Công Thương đã ban hành các Thông tư quy định định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng như: ngành sản xuất giấy, ngành sản xuất thép, ngành sản xuất bia và nước giải khát… Trong các Thông tư đã quy định suất tiêu hao năng lượng cụ thể cho giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời Bộ Công Thương hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức xác định các suất tiêu hao năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng hệ thống đo lường theo dõi tiêu thụ năng lượng và khuyến nghị áp dụng hệ thống QLNL theo ISO 50001. 
Trước đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng tại Việt Nam”. Dự án triển khai từ tháng 7/2011 đến tháng 7/2015 đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực kỹ thuật, tài chính hỗ trợ việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2011, tối ưu hóa hệ thống năng lượng tại các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam. Dự án cũng đã thành công khi hình thành các các mô hình điểm, nhân rộng và tạo ra phong trào xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001:2011 và áp dụng phương pháp tối ưu hóa các hệ thống thiết bị sử dụng năng lượng tại Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia năng lượng quốc tế, Dự án đã đào tạo được đội ngũ 27 chuyên gia nòng cốt về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001:2011 trên toàn quốc, 24 chuyên gia về tối ưu hóa hệ thống. Các chuyên gia này đến từ các tổ chức chứng nhận, các tổ chức tư vấn, các trung tâm tiết kiệm năng lượng trên cả nước, các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn... Cùng với chuyên gia quốc tế, đội ngũ chuyên gia này đã đồng hành cùng 220 doanh nghiệp tham gia dự án, góp phần xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho 72 doanh nghiệp, trong đó có 15 doanh nghiệp đã được đánh giá cấp chứng nhận ISO 50001:2011; và 149 nhà máy áp dụng các giải pháp tối ưu hóa hệ thống hơi và hệ thống khí nén.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với UNIDO thực hiện Dự án “Đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp lớn thông qua hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống và thực hành tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam - Dự án IEEP”. Dự án thực hiện trong thời gian 5 năm từ 2023-2027. Dự án hỗ trợ những doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa trong các ngành công nghiệp như: Giấy và bột giấy, Chế biến thực phẩm, Chế biến thủy sản, Dệt may, Sản xuất hóa chất và phân bón, Chế biến cao su, Luyện kim và thép, Xi măng, Nhựa và Đồ uống. Bao gồm đào tạo miễn phí về quản lý năng  lượng theo ISO 50001 và tối ưu hóa hệ thống hơi, khí nén, làm mát, làm lạnh, bơm, nhiệt công nghệ và động cơ; Hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, tối ưu hóa hệ thống sử dụng năng lượng và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa – MILIKET đã nhận chứng chỉ quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 từ năm 2013
Với việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng theo ISO 50001, các hoạt động TKNL sẽ được tích hợp vào hệ thống quản lý của các DNCN để đẩy nhanh việc áp dụng các cách thức thực hành tốt nhất về hiệu quả năng lượng bền vững, giúp cải thiện độ ổn định của hoạt động sản xuất công nghiệp và tăng năng suất.
Yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn ISO mới này sẽ mang lại động cơ cần thiết thúc đẩy các DNCN không ngừng quan tâm đến hiệu quả sử dụng năng lượng của các quy trình/bộ phận sử dụng năng lượng lớn của họ và sẽ cung cấp cho các DNCN một cơ cấu và quy trình quản lý để liên tục cải thiện hiệu quả năng lượng một cách toàn diện. Thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng, các hoạt động quản lý năng lượng sẽ được tích hợp vào chu trình quản lý và giúp hiện thực hóa các cơ hội cải thiện hiệu suất năng lượng một cách liên tục.
Việt Nam đã có 74 đơn vị đăng ký và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001. Có thể kể đến như: Công ty Diesel Sông Công, Công ty Vinamilk, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi CP, Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa-MILIKET, Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai, các công ty thuộc Tập đoàn Prime…
Những doanh nghiệp tiên phong
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp điển hình sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ áp dụng ISO 50001. Đến nay 100% các nhà máy xây dựng hệ thống QLNL tiêu chuẩn ISOO 50001 thông qua việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng có thể tái tạo như: Năng lượng từ khí CNG, biomass, năng lượng mặt trời.
Các nhà máy Vinamilk đều áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001
Theo Tổng giám đốc Vinamilk bà Mai Kiều Liên: Năng lượng là một trong những lĩnh vực tạo nên phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu. Để có thể thực hiện được mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, bên cạnh sử dụng hiệu quả thì việc chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ trọng điểm mà Vinamilk kiên định phải hoàn thành. Hiện nay, tỷ lệ năng lượng xanh, sạch/ nhiên liệu trong hoạt động sản xuất của nhà máy Vinamilk chiếm 86,8%.
Hiện tại, 11 nhà máy và 13 trang trại triển khai lắp đặt năng lượng mặt trời. Đồng thời, Vinamilk đã hiện thực hóa định hướng về chuyển đổi sử dụng năng lượng bền vững như đã trang bị hơi bão hòa, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi đốt bằng nguyên liệu xanh biomass thay cho năng lượng truyền thống, sử dụng khí CNG thay thế cho lò hơi đốt dầu DO/FO. Cụ thể, năng lượng biomass chiếm 36,8% (Vinamilk có 9 nhà máy đang sử dụng năng lượng từ biomass), tỉ lệ CNG chiếm 10,3% tổng năng lượng sử dụng trong hoạt động sản xuất. Mục tiêu của Vinamilk là sẽ dần áp dụng các nguồn năng lượng này ở tất cả các nhà máy trong hệ thống: biomass sử dụng tại các nhà máy có đủ diện tích mặt bằng, khí CNG sử dụng tại những nhà máy có diện tích hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các đơn vị trực thuộc, Vinamilk đã thực hiện thay thế các bóng đèn cao áp bằng đèn LED tiết kiệm điện. Hiện 100% nhà máy và trang trại đều sử dụng đèn LED. Theo tính toán, hoạt động này tiết kiệm đến 70% lượng điện sử dụng cho chiếu sáng.
Hay tại Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai, sau thời gian triển khai áp dụng ISO 50001, ý thức tiết kiệm năng lượng của cán bộ, công nhân công ty được nâng lên đáng kể. Chính vì vậy, hàng loạt biện pháp cải thiện năng lượng được các kỹ sư vận hành của công ty đề xuất.
Cán bộ Kỹ thuật của Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai kiểm tra chất lượng nguyên liệu trước khi vào lò (Ảnh: QUACERT)
Kết quả điển hình là cải tiến chế độ vận hành thiết bị. Khi triển khai các bước áp dụng theo ISO 50001, kỹ sư đã quan sát, theo dõi dữ liệu và phân tích kỹ từng yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng năng lượng. Do đó phát hiện ra hiện tượng lò được vận hành với công suất thấp hơn công suất thiết kế, cộng thêm việc dừng từng bộ phận của tổ hợp lò đã làm giảm hiệu suất lò và tăng hệ số tiêu hao điện năng trên đơn vị sản phẩm.
Trên cơ sở đó, phân xưởng từng bước duy trì chế độ ổn định của lò, yêu cầu công nhân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành của hệ thống theo biểu đồ nạp liệu, tháo xỉ và phero phốt pho để đạt được mục tiêu tối ưu hóa các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
Công ty cũng tập trung vào chất lượng nguyên liệu đầu vào, trước tiên là quặng phốt phát. Hiện tại, quặng Apatit bắt đầu suy giảm do nhiều nhà máy cùng nâng công suất, công ty phải chuyển sang sử dụng quặng loại II (chứa 20-22% P2O5 thay thế cho quặng 23,5% loại I trước đây). Việc chuyển đổi nguyên liệu như vậy làm hệ số tiêu hao điện năng tăng từ 7-10%. Vì vậy, phòng kỹ thuật đã đề xuất phối trộn phù hợp giữa quặng loại I và quặng loại II. Việc xử lý tốt nguyên liệu cho phép giảm tới 10% hệ số tiêu hao điện năng, giảm chỉ tiêu về than cốc, giảm lượng khí thải, giúp thiết bị lọc điện và ngưng tụ vận hành thuận lợi hơn.
Hoạt động đánh giá chứng nhận Hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001:2011 tại Công ty do các chuyên gia QUACERT thực hiện. (Ảnh: QUACERT)
Hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 đang dần trở thành xu thế trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. ISO 50001 thực sự là một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, để khuyến khích áp dụng rộng rãi hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 thì cần những hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương như tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về sự cần thiết và lợi ích của tiêu chuẩn ISO 50001. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tuân thủ các nghĩa vụ về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, trong đó có nghĩa vụ về áp dụng hệ thống QLNL. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn này được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi về tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tham gia các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật. 
ISO 50001 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý năng lượng do Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) xây dựng và ban hành. Mục đích của tiêu chuẩn Quốc tế này nhằm giúp cho các tổ chức thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để cải tiến hiệu suất năng lượng, bao gồm việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu quả năng lượng. Việc thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn này nhằm hướng tới sự giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí năng lượng và các tác động môi trường có liên quan khác, thông qua việc quản lý năng lượng có hệ thống.
ISO 50001 được công bố lần đầu vào ngày 15/6/2011 (gọi là ISO 50001:2011) và phiên bản mới nhất gần đây được ban hành vào ngày 21/8/2018 (gọi là ISO 50001:2018), phiên bản này được nâng cấp và cải tiến từ phiên bản 2011. Các doanh nghiệp đang áp dụng phiên bản ISO 50001:2011 sẽ phải thực hiện chuyển đổi lên phiên bản ISO 50001:2018 trước ngày 21 tháng 08 năm 2021.
Tại Việt Nam, việc phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 được Bộ Công Thương triển khai từ năm 2011 thông qua dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý  năng lượng tại Việt Nam”. Đến nay đã có 74 đơn vị đăng ký và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001.​
Anh Thư