Friday, 15/11/2024 | 18:46 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng: Sử dụng hơi nước để sấy thay cho điện trở

26/01/2007

Trong ngành bao bì, sử dụng điện trở để sấy sản phẩm là phổ biến. Tuy vậy, ông Phạm Huy Phong, Trưởng Phòng Kỹ thuật – Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM (ECC), cho biết các doanh nghiệp (DN) bao bì có thể sử dụng giải pháp dùng hơi nước để sấy sản phẩm, giúp DN giảm đáng kể chi phí cho năng lượng.

Chỉ hơn 18 tháng là thu hồi vốn đầu tư

Qua kiểm toán ở một DN bao bì, DN này có hai máy in và máy ghép. Các điện trở được lắp đặt cho từng cụm; có công suất lắp đặt khác nhau cho từng máy tương ứng với nhiệt độ khác nhau. Các điện trở thông qua đồng hồ cài đặt và hiển thị nhiệt độ. Nhiệt (hơi nóng) tỏa ra từ điện trở sẽ được quạt thổi hơi nóng - dùng để sấy khô các lớp mực in bám trên màng nhựa (bao bì). Hơi nóng sau khi sấy sẽ được tuần hoàn hơi hoặc hút ẩm cùng với khí thải, thông qua động cơ quạt hút thải ra ngoài. ECC đã giúp DN đầu tư thay thế các điện trở sấy hiện nay sang sử dụng hơi nước để sấy nhằm tiết kiệm được một lượng điện năng đáng kể.

Đối với cung cấp hơi để sấy từ lò hơi thông qua các ống dẫn hơi được phân phối đưa đến các miệng thổi hơi nóng kết hợp với dàn trao đổi nhiệt Caloriphe gián tiếp sẽ được quạt thổi hơi nóng tải đi để sấy khô mực in bám trên bề mặt bao bì. Các dàn Caloriphe sẽ được điều chỉnh và cài đặt nhiệt độ tùy theo nhu cầu sử dụng.

Qua thực tế tính toán, tổng vốn đầu tư cho giải pháp này là 894.679.000 đồng, trong khi đó, mỗi năm DN tiết kiệm được 587.146.000 đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 18 tháng là DN đã thu hồi vốn đầu tư.

Lắp thiết bị PID

Ở một DN nhựa khác, máy kéo ống đang hoạt động với hệ thống điều khiển nhiệt độ bằng đầu dò nhiệt, đồng hồ đo nhiệt độ với dung sai lớn điều khiển đóng ngắt nguồn điện trực tiếp 1 pha 220 V.

Dùng hệ thống quạt để giảm nhiệt độ khi quá nhiệt cài đặt, điều này gây thất thoát năng lượng.

ECC đã tư vấn cho DN lắp thiết bị PID điều khiển chính xác nhiệt độ cài đặt.

PID là bộ điều khiển không cấp năng lượng hoàn toàn hoặc ngắt hoàn toàn trong suốt thời gian on-off, mà tùy theo nhiệt độ hồi tiếp về sẽ quyết định cung cấp năng lượng đủ cho tiêu hao. Khi nhiệt độ cách nhiệt độ định mức còn xa thì cấp năng lượng hoàn toàn, khi gần đến nhiệt độ định mức thì sẽ giảm dần năng lượng cung cấp cho đến khi duy trì một mức năng lượng ổn định (lúc này chỉ cấp điện áp 60 V thay vì 220 V) vừa đúng với năng lượng tiêu hao trong suốt thời gian vận hành.

Nếu lắp thiết bị PID cho 2 máy kéo ống 1 và 2, ngoài việc điều chỉnh chính xác nhiệt độ cài đặt để cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao, thẩm mỹ và kéo được những sản phẩm làm từ nguyên liệu có nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ cháy chênh lệch nhau không lớn (PVC...), hằng năm sẽ tiết kiệm được một lượng điện năng là 36.039 kWh, tương đương số tiền là 30.994.000 đồng, thời gian hoàn vốn khoảng 9 tháng, giảm khí thải ra môi trường 27,75 tấn CO2.

Như vậy, đối với những DN có nhiều máy kéo ống rất cần áp dụng phương án này, vì hiệu quả mang lại rất lớn.

(Nguồn: NLĐ)