Monday, 18/11/2024 | 09:54 GMT+7

G8 tuyên bố chống tăng giá xăng dầu bằng công nghệ

21/06/2008

Các nước công nghiệp và tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới hôm 8/6 đã cam kết chống giá năng lượng leo thang bằng cách tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới. Họ cũng kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ gia tăng sản lượng.

Các bộ trưởng năng lượng G8 cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại về giá dầu leo thang tới mức kỷ lục. Họ nói rằng cả nước sản xuất lẫn tiêu dùng sẽ thu lợi khi thị trường ổn định hơn. Giá dầu tăng mạnh có thể làm kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Các bộ trưởng đã bàn về cách đa dạng hóa các nguồn năng lượng để kiểm soát nhu cầu dầu mỏ gia tăng cũng như phát thải khí nhà kính - tác nhân gây ấm hóa toàn cầu.

"Chúng ta phải gia tăng mức độ và phạm vi đầu tư khắp thế giới. Điều đó có nghĩa là thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ vào các loại công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng thay thế khác, cũng như phát triển các loại tài nguyên hydrocarbon truyền thống", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Samuel Bodman nói.

G8- gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia, Canada và Anh - đã đề ra các biện pháp cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Trong tuyên bố chung, họ đã cam kết tiến hành 20 dự án thử nghiệm vào năm 2010 để "thu và chứa khí cacbon". Các dự án sẽ cho phép các nhà máy điện thu khí thải và bơm chúng xuống lòng đất.

Mặc dù công nghệ thu giữ cacbon này mới ở giai đoạn sơ khai song những người ủng hộ nói rằng cuối cùng công nghệ đó sẽ cho phép thế giới tăng cường khai thác, sử dụng nguồn than dồi dào và rẻ tiền mà không làm ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh sự ấm hóa toàn cầu.

Tuy nhiên, có những bất đồng rõ ràng về cách mở rộng năng lượng hạt nhân. Tuyên bố chung kêu gọi có các biện pháp đảm bảo an toàn và an ninh cho các nguyên liệu hạt nhân. Nhiều quốc gia cho biết họ quan tâm tới việc xây dựng các lò phản ứng mới. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ước tính thế giới sẽ phải xây dựng 32 nhà máy điện hạt nhân mới mỗi năm từ này cho tới 2050 nhằm cắt giảm 50% phát thải khí nhà kính.

Đức cho biết sẽ không tham gia nỗ lực trên. Bộ trưởng Kinh tế Jochen Homann của Đức nói rằng Berlin vẫn theo đuổi quyết định loại bỏ năng lượng hạt nhân.

G8, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng thiết lập Quan hệ đối tác quốc tế về hợp tác hiệu quả năng lượng nhằm thúc đẩy các biện pháp tốt nhất trong việc tiết kiệm năng lượng.

Cuộc họp hôm 8/6 diễn ra sau khi 5 nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc - ra tuyên bố chung cảnh báo giá dầu cao là mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới và nên khai thác nhiều dầu hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng. Họ cho rằng giá cả leo thang không có lợi cho cả nước sản xuất lẫn tiêu thụ, là gánh nặng cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, nhóm này lại bất đồng về trợ giá xăng dầu. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế ước tính trợ giá xăng dầu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông lên tới khoảng 55 tỷ USD trong năm 2007. Mỹ đã hối thúc các nước như Trung Quốc giảm bớt trợ giá xăng dầu trong khi các nước phát triển nghèo hơn nói rằng bỏ trợ giá xăng dầu có thể gây bất ổn chính trị và kinh tế.

Theo Vietnamnet