Monday, 18/11/2024 | 09:28 GMT+7
Đúng hẹn, chúng tôi đến nhà anh Đỗ Văn Trán (đường Bùi Minh Trực, P.6, Q.8 – TPHCM) tham quan chiếc bếp năng lượng mặt trời do anh thiết kế và đã sử dụng hiệu quả gần 1 năm nay.
Đứng trong mát vẫn có thể nấu bếp
Dẫn chúng tôi lên ban công lầu 1, nơi để chiếc bếp năng lượng mặt trời, anh Trán vừa chỉ vào từng bộ phận của chiếc bếp vừa giới thiệu cặn kẽ. Chiếc bếp gồm 4 phần chính: bộ phận thu nhiệt, bộ phận dẫn nhiệt, bếp nấu và bảng điều khiển. Điểm đặc biệt của chiếc bếp này là có thể dẫn nhiệt vào nơi mát để nấu nướng, khắc phục được nhược điểm của đa số bếp sử dụng năng lượng mặt trời có cấu tạo đơn giản là một parabol thu nhiệt, tụ nhiệt vào một điểm rồi đặt bếp ngay trên đó. Với cấu tạo như thế người dùng rất có thể bị phỏng, bị ánh nắng gắt chiếu vào người gây khó chịu vì phải nhoài người trên parabol để đặt và lấy nồi.
Chiếc bếp của anh Trán đặc biệt ở chỗ: Phần thu nhiệt được làm từ một máng nhôm uốn cong thành hình parabol, có diện tích khoảng 2 m2, được đặt trên mái nhà để tiện cho việc tiếp nhận ánh sáng mặt trời, chuyển thành nhiệt năng cung cấp cho bếp. Nhiệt năng thu được từ bộ phận này sẽ theo bộ phận dẫn nhiệt, có cấu tạo chính là một ống đồng, chuyển tới bếp nấu. Bếp được thiết kế như một chiếc lò lớn có vỏ bằng nhôm, phía trong được lót một lớp mút xốp để tránh thoát nhiệt, phần mặt bếp là một miếng nhôm phẳng để đặt nồi. Anh Trán giải thích thêm: Nhiệt độ tối đa mà chiếc bếp này có thể đạt được khoảng 180oC, đủ sức nấu chín cơm và các loại đồ ăn, nước uống. Khác với những chiếc bếp kiểu chảo parabol thông thường, chiếc bếp của anh Trán không hề bị mất nhiệt khi có gió lớn, có thể giữ nhiệt trong vòng 2-3 giờ sau khi hết nắng.
Chín lần thất bại
Một ấn tượng khác của chúng tôi với chiếc bếp này chính là chiếc bảng điều khiển sự chuyển động của parabol thu nhiệt. Vì mặt trời đổi hướng từ Đông sang Tây theo thời gian từ sáng đến tối, nên parabol thu nhiệt cũng cần phải xoay theo hướng mặt trời. Ở chế độ điều khiển tự động, anh Trán dùng một mạch điện tử có tính năng hẹn giờ như một chiếc đồng hồ, cứ vài phút lại điều chỉnh cho parabol thu nhiệt tự động xoay theo hướng đã được lập trình, sao cho mặt parabol giống như cánh hoa hướng dương, luôn xoay theo hướng mặt trời. Nếu không muốn parabol quay tự động có thể dùng chế độ điều khiển bằng tay, bật cần gạt để hướng parabol quay về nơi có thể nhận được nhiều ánh nắng nhất. Với cấu tạo như vậy, từ khi đưa chiếc bếp vào dùng đến nay, gia đình anh tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Lúc trước trung bình mỗi tháng dùng hết một bình gas thì nay phải 3 tháng mới hết một bình gas.
Anh Trán cho biết động lực để sáng tạo chiếc bếp này là do “mấy năm gần đây, giá gas, xăng dầu tăng lên chóng mặt”. Một lần mua được cuốn sách nói về việc sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ nông thôn, anh mê mẩn và nung nấu ý nghĩ một ngày nào đó sẽ biến ánh nắng mặt trời thành năng lượng miễn phí để phục vụ con người. Thế là anh bắt tay vào chế tạo chiếc bếp này từ cuối năm 2004. Sau 9 lần thất bại, chỉnh sửa, thay thế nguyên vật liệu... đến cuối năm 2006, anh hoàn thành tác phẩm. Tổng chi phí vật liệu để làm chiếc bếp khoảng 3 triệu đồng.
Điều ngạc nhiên là anh Trán chỉ học tới lớp 11 nhưng thành công của anh chính là nhờ ngay từ nhỏ anh đã rất say mê đọc các loại sách về khoa học kỹ thuật và anh đã tự chế được chuông cửa, chuông báo động...
Thanh Lê