Monday, 18/11/2024 | 09:52 GMT+7

Những phát minh hay nhất 2008

26/11/2008

Nhiên liệu xanh, tòa tháp biết xoay, đồ bơi tốc độ hay bàn tay giả như thật…, đó là những ý tưởng độc đáo đã lọt vào danh sách 50 phát minh hay nhất năm 2008 do tạp chí Time bình chọn.

Ngân hàng hạt giống toàn cầu

Bạn đã bao giờ nghe tên Hầm lưu giữ hạt giống toàn cầu Svalbard chưa? Đây được xem như một ngân hàng lưu giữ hạt giống toàn cầu. Nó rất cần thiết vì có tới một nửa số ngân hàng hạt giống tại các quốc gia đang phát triển có nguy cơ bị thảm hoạ thiên nhiên đe dọa. Hầm lưu giữ hạt giống toàn cầu Svalbard vừa được khai trương trong năm nay ở đảo Spitsbergen, phía Bắc Na Uy. Hầm Svalbard có thể lưu giữ tới 4,5 triệu mẫu hạt giống trong điều kiện nhiệt độ duy trì là -18oC. Do hầm nằm ở Bắc Cực, nên dù trong trường hợp bị mất điện, nhiệt độ trong hầm vẫn luôn đủ lạnh để có thể giữ hạt giống tới hàng nghìn năm.

 

Máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới

Tháng 9 vừa qua, cả thế giới khoa học xôn xao với sự kiện ra mắt máy gia tốc hạt lớn nhất thế giới mang tên Large Hadron Collider. Cỗ máy khổng lồ này được thiết kế để bắn các proton theo các hướng đối nhau với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng (6.000 lần/giây) nhằm tìm câu trả lời cho những bí ẩn không gian như tìm bằng chứng của một loại lượng tử mà từ trước tới nay chỉ nằm trong giả thiết - đó là hạt Higgs hay còn gọi là “hạt của Chúa”. Tuy nhiên sau khi trình làng, Large Hadron Collider chỉ hoạt động được 10 ngày và phải ngừng lại cho tới ít nhất là mùa Xuân sang năm do gặp sự cố một đường dây dẫn bị đốt nóng quá mức.

 

Nhiên liệu xanh

Nếu không phải vì tình trạng thay đổi khí hậu, dầu mỏ sẽ tiếp tục là một nguồn năng lượng lớn. Tuy nhiên, những ngày này, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Arizona (ASU)  - Mỹ, đang cố gắng sản xuất ra một loại nhiên liệu giàu năng lượng, dễ vận chuyển và tương đối rẻ. Đó là tảo.

 

Hai nhà khoa học Milton Sommerfeld và Qiang Hu đã nỗ lực nuôi tảo để sản xuất một loại nhiên liệu sinh học gần giống như xăng, nhưng có lợi cho môi trường vì không nhả carbon. Trên thực tế, nhiên liệu này có tính năng trung tính carbon vì tảo hấp thụ carbon dioxide.

 

Tảo cũng không gặp phải sự phản đối quyết liệt của dân chúng như các giống cây mía hay ngô - hai loại thực vật được dùng để sản xuất hầu hết các nhiên liệu sinh học ethanol ngày nay. Do tảo không ăn được, nên việc dùng chúng để làm nhiên liệu không ảnh hưởng tới các nguồn cung cấp lương thực thực phẩm của con người. Ngoài ASU còn có rất nhiều hãng như Sapphire Energy ở San Diego đang cạnh tranh đưa loại nhiên liệu xanh này ra thị trường.

 

Bàn tay giả như thật

Sau nhiều năm nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm, năm nay, hãng Touch Bionics cho ra đời bàn tay kỹ sinh học thương mại đầu tiên trên thế giới. Khác với các bàn tay nhân tạo thường trông giống như cái móc, chỉ có thể duỗi ra và nắm vào, bàn tay kỹ sinh học iLimb có đa khớp nối, mỗi ngón tay đều có cơ  vận động riêng. Bàn tay iLimb cũng có những cử động tinh tế hơn, có thể cầm nắm các vật lớn như tách cà phê.

 

Bắt đầu dự án sản xuất bàn tay nhân tạo trong hệ thống y tế quốc gia Anh từ những năm 1960, đến nay trên thế giới đã có hàng trăm người đang sử dụng iLimb. Bàn tay giả đã cử động như thật. Vậy sau iLimb, hãng Touch Bionics sẽ cho ra đời sản phẩm gì? Một cổ tay giả, các ngón tay giả và một cánh tay kỹ sinh học hoàn thiện.

 

Tòa tháp xoay 3600

Tòa nhà cao 80 tầng ở Dubai sẽ là tòa tháp chuyển động đầu tiên trên thế giới. Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Italy David Fisher, mỗi tầng trong số 80 tầng của tòa nhà này - bao gồm văn phòng, khách sạn và các căn hộ - đều xoay 360 độ với các vận tốc khác nhau. Tòa tháp hoạt động bằng sức gió này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010 với tổng kinh phí ước chừng 700 triệu USD. Các căn hộ trên tòa tháp này sẽ có giá từ 3,7 triệu USD đến 36 triệu USD. Chủ tòa nhà này cũng lên kế hoạch xây một tòa nhà nữa ở Mátxcơva (Nga).

 

Robot khéo như người

Nexi là chú robot đầu tiên trong loạt robot mới vừa được Phòng thí nghiệm Truyền thông của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát triển. Nexi có khả năng di chuyển qua lại trên các bánh xe và có thể cầm nhặt được đồ vật. Đặc điểm ấn tượng nhất của Nexi là bộ mặt khá giống người và có thể bày tỏ nhiều loại cảm xúc khác nhau.

 

Kính áp tròng kỹ sinh học

Babak Parviz ở Đại học Washington (Mỹ) vừa tạo ra loại kính áp tròng kỹ sinh học, có thể hiển thị hình ảnh ảo như bản đồ, dữ liệu… sẽ nổi giữa không trung phía trước mắt người đeo. Loại kính áp tròng này hoạt động bằng sóng radio và các pin năng lượng mặt trời.

 

Bộ đồ bơi tốc độ LZR

Có tới 94% vận động viên mặc bộ đồ bơi tốc độ mang tên LZR chiến thắng tại các cuộc thi bơi ở Olympic Bắc Kinh 2008. LZR do các chuyên gia Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thiết kế, phải mặc cùng với áo nịt ngực để cải thiện độ nổi và loại vải dùng để may LZR phải là vải nén nhằm giữ cho các cơ không bị rung dưới nước. Tất cả đặc điểm này đủ để đảm bảo cho kình ngư người Mỹ Michael Phelps giành kỷ lục với 8 HCV trong cùng một kỳ Olympic.

 

Làm nổi các dấu vân tay

Nhà vật lý người Anh John Bond đã phát triển một kỹ thuật có thể làm nổi dấu vân tay trên một khẩu súng mặc dù khẩu súng này đã được lau sạch. Căn cứ vào mồ hôi ăn mòn kim loại, John đã ứng dụng đưa điện tích và bột carbon mịn vào phần bị ăn mòn của khẩu súng, kỹ thuật này sẽ giúp làm nổi dấu vân tay. Cảnh sát đang sử dụng công nghệ mới vừa trình làng 4 tháng nay để tiến hành điều tra lại một số vụ án.

 

Giày thể thao công nghệ cao

Hai hãng giày thể thao Nike và Adidas tiếp tục cuộc chiến dài lâu của họ để đua tranh giành danh hiệu giày đế mềm trong năm nay. Nike trình làng loại giày thể thao Zoom Victory với bề mặt mỏng như tờ giấy, ôm sát chân người chạy như một lớp da thứ hai. Đôi giày này được khâu theo cách hỗ trợ bàn chân tại những điểm chịu áp lực quan trọng như gót chân chẳng hạn.

 

Trong khi đó, hãng Adidas hợp tác với nhà sản xuất xe hơi Đức thiết kế loại giày chạy Porsche Design Sport Bounce. Đôi giày này có các lò xo kim loại làm đệm cho chân, khiến bước chạy của bạn nhẹ nhàng như đang lái một chiếc xe hơi thể thao Porsche cao cấp.

 

(Theo Time)