Sunday, 17/11/2024 | 08:36 GMT+7

3 sinh viên nghèo và chiếc xe giàu năng lượng

13/08/2010

Bao nhiêu tiền cha mẹ gởi cho ăn học, 3 chàng sinh viên đều đổ hết vào công trình nghiên cứu của mình. Và sau nhiều tháng miệt mài, cuối cùng “đứa con cưng” của họ cũng được “trình làng” trong sự ngạc nhiên và thán phục của bạn bè và thầy cô. Đó là Tạ Ngọc Thiên Bình, Huỳnh Kim Trạng, Phạm Nguyên Sơn thuộc khóa 5, Khoa Cơ khí giao thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Xuất phát từ lòng nhân ái

“Những ngày ngồi cà phê cóc cùng bạn bè ở lề đường, thấy mấy bác đạp xích lô giữa trưa nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại thấy thương quá. Trong đầu em chợt nghĩ đến việc tại sao không “bắt” nắng phục vụ bác đạp xích lô mà để nắng “hành” các bác? Từ đó em nghĩ ra ý tưởng sáng chế xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời. Đem suy nghĩ nói với bạn Trạng và Sơn thì các bạn hưởng ứng”, sinh viên Tạ Ngọc Thiên Bình, trưởng nhóm công trình nghiên cứu Solar Car C4, tâm sự với chúng tôi.

images343773_b.jpg

SV Phạm Nguyên Sơn cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong quá trình thiết kế là chúng em tự mày mò tìm tài liệu. Thậm chí gom góp, vay mượn tiền để bắt xe đò vào tận TPHCM và Cần Thơ tìm hiểu thêm. Cuối cùng, với sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Dương Việt Dũng và nỗ lực của các bạn trong nhóm, mô hình cũng hoàn thiện sau hơn 2 tháng mày mò”.

Tuy nhiên, cầm mô hình trên tay, 3 chàng SV vò đầu, bóp tráng. Bởi câu hỏi đặt ra là lấy đâu ra kinh phí để thực hiện? Bản thân 3 em đều là những SV nghèo, tiền ăn học còn khó huống gì bỏ ra một khoản tiền lên đến vài chục triệu đồng. Thế rồi thầy cô trong trường, lãnh đạo Khoa cơ khí ô tô và đặc biệt là gia đình các em thấy thương nên hỗ trợ hết mình, cuối cùng công trình “thiết kế chế tạo ô tô năng lượng xanh SC4 (Solar Car C4) cũng hoàn thiện và thử nghiệm thành công vào ngày 15-6-2010.

Xe có 2 chỗ ngồi, nặng 350kg, tốc độ tối đa 30 km/giờ và hoạt động liên tục khi trời có nắng. Với hệ thống tích điện, xe có thể chạy được 30km cho một lần sạc đầy bình. Đặc biệt, nếu hết điện hoặc trời không có nắng xe có thể chạy bằng động cơ nhiệt sử dụng nhiên liệu khí gas hóa lỏng LPG được lắp đặt song song với động cơ điện. Vì vậy, khả năng và phạm vi hoạt động của xe rất cao.

Vì môi trường xanh - sạch

Khi bắt tay vào chế tạo loại xe này, thầy Dũng và các sinh viên còn tính tới việc giúp giảm bớt áp lực lên gánh nặng của nhiên liệu dầu mỏ đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, tiềm năng về năng lượng mặt trời ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam. Hơn thế nữa, ưu điểm của loại xe này có kiểu dáng gọn, chi phí thấp, giảm ô nhiễm môi trường và phù hợp với người dân Việt Nam.

Theo Thiên Bình, Solar Car C4 rất thích hợp phục vụ du lịch ở Đà Nẵng hay phố cổ Hội An. Bởi khi Đà Nẵng đang xây dựng thành phố môi trường, còn Hội An cấm các loại xe có động cơ lưu thông trong phố cổ thì Solar Car C4 này có thể đưa du khách tham quan, mua sắm rất thuận tiện.

Với những tính năng ưu việt và khả thi, đề tài nghiên cứu này đã được trao giải nhì của cuộc thi “Ý tưởng bảo vệ môi trường năm 2009” do Trung ương Đoàn kết hợp với Bộ TN-MT tổ chức; được nhận giấy khen của Đại học Đà Nẵng. Và hiện nay, nhóm gởi công trình đi dự giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” và giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC 2010”.

Hiện giá thành chế tạo xe vào khoảng 80 - 100 triệu đồng/chiếc. Nhóm rất muốn được một công ty ô tô đầu tư về tài chính và góp ý thêm về kỹ thuật để có thể cho ra đời mẫu xe năng lượng mặt trời của Việt Nam.

Theo Báo SGGP