Sunday, 17/11/2024 | 06:29 GMT+7

Sét có thể trở thành nguồn năng lượng thay thế của tương lai

30/08/2010

Lãnh đạo nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Fernando Galembeck cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi có thể mở đường cho sự ra đời của 1 loại năng lượng thay thế mới.” Cũng qua nghiên cứu này, vấn đề về làm thế nào điện có thể được tạo ra và biến đổi trong không khí sẽ có câu trả lời.

Hãy tưởng tượng có 1 thiết bị thu nhận sét từ không khí – như loại tế bào thu nhận ánh sáng mặt trời – và được dùng để thắp sáng cho 1 ngôi nhà hay sạc điện cho 1 chiếc xe điện. Hãy tưởng tượng có thể có những tấm pin như pin mặt trời lắp trên mái nhà và ngăn chặn sét từ trước khi nó được tạo thành. Ý tưởng đó nghe có vẻ lạ lùng nhưng đã được các nhà khoa học nghiên cứu và trình bày tại Hội nghị lần thứ 240 của Hiệp hội hóa học Mỹ (ACS).


 set.jpg

Lãnh đạo nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Fernando Galembeck cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi có thể mở đường cho sự ra đời của 1 loại năng lượng thay thế mới.” Cũng qua nghiên cứu này, vấn đề về làm thế nào điện có thể được tạo ra và biến đổi trong không khí sẽ có câu trả lời. “Cũng giống như năng lượng mặt trời giúp cho nhiều thiết bị trong nhà không bị mất tiền điện, loại năng lượng đầy hứa hẹn này cũng có thể làm được điều đó.” Tiến sĩ Galembeck nhấn mạnh.

 

Tiến sĩ cũng cho biết thêm: “Nếu chúng ta biết được làm thế nào điện được sinh ra và lan truyền trong bầu không khí, ta có thể ngăn chặn được những thiệt hại do sét gây ra.” Ý tưởng khai thác sức mạnh của tự nhiên đã theo đuổi các nhà khoa học trong hàng thế kỉ qua. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tia lửa tĩnh điện được hình thành từ hơi nước thoát ra từ áp suất lớn của nồi hơi và hơi nước này có thể gây giật nếu chạm vào. Đó là vì dòng điện được tạo ra khi hơi nước có chứa cả bụi và các vật liệu rất nhỏ lơ lửng trong không khí và tích điện trái dấu.Nhưng thật tiếc, đến tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa có kiến thức đầy đủ về quá trình hình thành và phát điện từ nước trong khí quyển.

 

Tiến sĩ Galembeck và các cộng sự đã chứng minh giả thuyết trên bằng việc tiến hành các thí nghiệm mô phỏng sự tiếp xúc của hơi nước với bụi có trong không khí.Họ đã sử dụng những tinh thể rất nhỏ silica và nhôm phốtphát cho tiếp xúc với hơi nước và kết quả thu được là khi độ ẩm cao silica tích điện âm còn nhôm phốtphát tích điện dương. Độ ẩm cao được sử dụng trong thí nghiệm là độ ẩm của hơi nước có thể gây nên sương mù trong thực tế.

 

”Thí nghiệm đã chứng tỏ hơi nước trong không khí có thể tích điện và như vậy, lượng điện tích này có thể được chuyển thành các dạng điện năng cần thiết cho con người” Tiến sĩ Galembeck giải thích. “Chúng tôi gọi loại năng lượng này là “hygroelectricity”, có nghĩa là “điện ẩm””.

 

Trong tương lai, có thể chúng ta sẽ phát triển được những loại tế bào có thể thu nhận điện trong không khí như thu nhận ánh sáng mặt trời và chuyển chúng thành nguồn điện hữu ích cho con người. Cũng như tế bào năng lượng mặt trời có thể được sử dụng tốt nhất tại những vùng nhiều ánh sáng, tấm pin điện ẩm thích hợp sử dụng cho những nơi có độ ẩm cao như vùng Đông Bắc và Đông Nam Hoa Kỳ hoặc những vùng nhiệt đới ẩm.


Hương Phạm