Sunday, 17/11/2024 | 13:40 GMT+7

Pin mặt trời giá rẻ 300USD/m2

16/09/2010

Sản phẩm pin mặt trời giá rẻ của TS Nguyễn Thế Vinh và TS Nguyễn Thanh Lộc (Đại học Bách khoa TP.HCM) có giá chưa đến 300USD/m2, bằng khoảng 1/4 so với hàng nhập khẩu. Loại pin này dùng vật liệu chính là TiO2 được nhúng vào dung dịch tạo màu với hợp chất hữu cơ chứa kim loại có màu xanh.

Lắp đặt bất kỳ đâu có ánh sáng mặt trời

 

Sản phẩm pin mặt trời giá rẻ của TS Nguyễn Thế Vinh và TS Nguyễn Thanh Lộc (Đại học Bách khoa TP.HCM) có giá chưa  đến 300USD/m2, bằng khoảng 1/4 so với hàng nhập khẩu. Loại pin này dùng vật liệu chính là TiO2 được nhúng vào dung dịch tạo màu với hợp chất hữu cơ chứa kim loại có màu xanh. Do "bắt chước" quá trình quang hợp của cây xanh, dưới tác động của ánh sáng, pin sẽ tạo ra nguồn điện.


PGS.TS Hoàng Dương Hùng, phó hiệu trưởng Đại học Đà Nẵng cho biết, pin mặt trời là phương pháp sản xuất điện trực tiếp từ năng lượng mặt trời qua thiết bị biến đổi quang điện. Điện từ pin mặt trời có khả năng hòa lưới điện hoặc hoạt động độc lập và có thể cung cấp điện cho nhiều ứng dụng: từ các hệ thống cấp điện cho các tòa nhà, căn hộ, tới các hệ thống cấp điện cho các hệ thống chiếu sáng công cộng...


 pin DH BK.jpg


Ưu điểm nữa của pin mặt trời là gọn nhẹ, có thể lắp bất kỳ đâu có ánh sáng mặt trời. Ở nhiều nước pin mặt trời không chỉ được sử dụng cho vùng sâu, vùng xa... mà còn được ứng dụng tại các hộ gia đình. Chỉ cần để đặt các tấm phát điện năng lượng Mặt Trời trên nóc nhà, khi có Mặt Trời, các tấm quang điện này sẽ phát ra dòng điện một chiều. Một chiếc máy đổi dòng sẽ biến dòng điện đó thành điện xoay chiều sử dụng cho những thiết bị điện trong nhà.

 

Theo ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, một số pin mặt trời đã được các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm. Nhưng các nhà khoa học nước ta chưa thể tạo ra một dây chuyền sản xuất pin mặt trời thương phẩm.


Theo sự phát triển, pin mặt trời rồi cũng không còn là sản phẩm công nghệ cao. Vì như nhiều sản phẩm dân dụng khác, pin mặt trời sẽ được gia công tại các quốc gia châu Á, châu Phi chứ không tập trung tại châu Âu, châu Mỹ. 


Vẫn còn xa vời 


TS Hoàng Sinh Trường, Trung tâm Năng lượng Mặt Trời, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, ở Việt Nam, với sự hỗ trợ của Nhà nước và một số tổ chức quốc tế đã thực hiện thành công việc xây dựng các trạm pin mặt trời có công suất khác nhau. 


Tuy nhiên, hiện nay pin mặt trời vẫn đang còn là món hàng xa xỉ ở nước ta. Vì hiện pin mặt trời mới chỉ được ứng dụng ở các vùng sâu, vùng cao và hải đảo, nơi không thể đưa lưới điện quốc gia đến được. Nghịch lý ở chỗ, phần lớn thu nhập của người dân vùng này thấp, trong khi giá thành đầu tư ban đầu của pin mặt trời hiện tại còn rất cao.


Chỉ tính riêng hệ thống điện mặt trời cho một ngôi nhà đã mất khoảng 20.000 - 23.000USD. Vì thế, những lợi ích về mặt môi trường không đủ thuyết phục so với các bài toán kinh tế. PGS.TS Hoàng Dương Hùng cho biết, nguyên nhân của việc giá thành cao là vật liệu chế tạo ra pin mặt trời (silic tinh thể...) quá  đắt. Nếu sử dụng các loại vật liệu rẻ tiền hơn thì chất lượng lại kém.


Một nguyên nhân nữa, là ở Việt Nam chưa có cơ chế cho phép điện mặt trời hòa vào mạng điện quốc gia. Vì thế, nếu có nhà máy sản xuất điện bằng pin mặt trời sản xuất ra điện cũng không biết phải làm gì với điện sản xuất được.


Các chuyên gia cho biết, muốn  ứng dụng pin mặt trời điều quan trọng phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, ví dụ  như hỗ trợ về thiết bị. Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế trong việc ưu tiên sử dụng điện mặt trời. Chỉ có như  thế, điện mặt trời mới thực sự đi vào cuộc sống.  


 Thúy Hằng