Sunday, 17/11/2024 | 06:22 GMT+7
Máy hoạt động bằng chính nguồn năng lượng có sẵn trong các chất chữa cháy nhưng vẫn xử lý được các đám cháy nguy hiểm như xăng, dầu, bom, đạn...Đây là sản phẩm do ông Phan Đình Phương (Công ty Sáng chế Công nghệ An Sinh, TP Đà Nẵng), cùng các cộng sự nghiên cứu chế tạo trong suốt 12 năm.
Đẩy được nước lên độ cao 2.000 m
Theo ông Phương, đa phần các đám cháy nếu được phát hiện sớm từ khi chỉ là những ngọn lửa nhỏ thì việc dập tắt không quá phức tạp, tuy nhiên hầu hết các đám cháy được phát hiện khi đã bùng phát rộng. Lúc đó, việc chữa cháy trở nên hết sức khó khăn và nguy hiểm. Để xử lý các đám cháy lớn như vậy cần có loại máy không lệ thuộc vào nguồn điện, máy bơm, máy nổ, xăng dầu, ắc quy...
Từ suy nghĩ đó, ông Phương và các cộng sự đã bắt tay vào nghiên cứu một loại máy chữa cháy đặc biệt. Nhận thấy các chất khí chữa cháy cao áp như CO2, Ar (argon) hay nitơ lỏng đều có áp suất cao, nhóm nghiên cứu đã tính toán thiết kế máy sao cho có thể vận dụng chính áp suất này để thổi các chất chữa cháy dạng nước, dạng bọt hay chính những loại khí đó vào các đám cháy phù hợp. “Toàn bộ thiết bị đứng yên mà chứa nguồn năng lượng vật lý cực mạnh, khi dãn nở sẽ tạo sức đẩy các chất chữa cháy như nước, bọt, bột, cát... vào dập tắt ngọn lửa. Đây chính là bí quyết giúp chiếc máy không cần dùng bất cứ nguồn năng lượng nào”- ông Phương cho biết.
Để đạt hiệu quả cao nhất, các nhà nghiên cứu đã pha trộn các chất khí chữa cháy với nước ở một tỉ lệ nhất định. Khi được phun vào các đám cháy, các chất này sẽ tạo nên hỗn hợp khí và hơi nước đồng đều giúp dập tắt ngọn lửa một cách nhanh chóng. Nhờ thế, chiếc máy này không chỉ chữa các đám cháy thông thường từ các vật liệu như gỗ, cao su, len, sợi... mà còn chữa được các đám cháy nguy hiểm như xăng, dầu, bom, đạn... Máy có thể đặt tại chỗ để phục vụ một địa điểm cố định như khu nhà máy, khu công nghiệp, các tòa cao ốc, nhà máy lọc dầu, kho xăng dầu... hoặc lắp trên xe chữa cháy để đưa đến các địa điểm di động.
Ở dạng cố định, máy chữa cháy là một tổ hợp bao gồm các bình đựng chất chữa cháy như N2, CO2, Ar, nước, bọt, bột... và các đầu báo cháy nhiệt liên kết thành một hệ thống. Máy chữa cháy có thể tự vận hành, tự báo cháy và chữa cháy. Thời gian kích hoạt không quá 3 giây, với áp suất khí từ 80-250 bar, dễ dàng đẩy nước lên độ cao 800-2.000 m, rất phù hợp với các công trình lớn và nhà cao tầng.
Giảm 4/5 lượng nước tồn trữ
“Nước hòa tan khí là một loại dung dịch đầy bí ẩn, chỉ cần
tăng nhiệt, di chuyển, rung lắc nhẹ, khí lập tức đua nhau thoát ra tạo nên sóng
bọt tuôn trào. Hiện tượng này thường thấy khi rót bia hay bật nắp chai sâm
banh. Xét về phương diện phòng cháy chữa cháy (PCCC), các loại nước uống có
gas, thậm chí cả bia, chính là những chất chữa cháy lý tưởng vì nó bao gồm
nước, CO2 và bọt phát sinh tự nhiên, an toàn cho con người nên không chỉ người dân
mà nhân viên cứu hỏa cũng... thích”- ông Phương lý giải.
Nhờ vận dụng những nguyên lý trên, chiếc máy chữa cháy thoạt nhìn bên ngoài chỉ gồm 2 bồn luân phiên đẩy nước, bình thường thì nằm yên nhưng khi chữa cháy lập tức biến nước thành bọt liên tục sôi sục, trở nên nhẹ hẫng, dễ dàng phun nước lên độ cao của mọi công trình. Điều này khiến máy không cần đến xăng dầu, bình điện, máy nén khí, ejector hoặc các thiết bị cao áp nặng nề. Máy được chế tạo nhiều cỡ, với công suất từ 100 - 900 m3/giờ.
Máy còn có thể thu hồi nước chữa cháy qua bầu lọc để phun
trở lại, giảm lượng tồn trữ nước quá lớn trong tòa nhà. Nhờ vậy, thay vì phải
có lượng nước dự trữ từ 500-600 m3 để PCCC, nay chỉ cần dưới 100 m3. Chức năng
hút nước còn giúp chống ngập cho tầng hầm để xe của các tòa nhà. Một ưu điểm
nữa là nhờ không phải sử dụng các loại động cơ để bơm nước nên quá trình chữa
cháy diễn ra chóng vánh, không có tiếng gầm rú của máy nổ, chỉ có tiếng phun nhẹ
nhàng nên không gây ồn ào hoảng loạn, giúp mọi người bình tĩnh xử lý và thoát
hiểm.
Theo Báo Người lao động