Monday, 23/12/2024 | 02:08 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Indonesia

17/12/2024

Chương trình Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Indonesia bao gồm các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, thúc đẩy các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới với khoảng 275 triệu dân, đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục khoảng 5% mỗi năm trong nhiều năm qua. Nhờ kinh tế phát triển tích cực, tỷ lệ người nghèo tại quốc gia này đã giảm hơn một nửa trong vòng 20 năm qua. Indonesia là nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới với GDP đạt 1.187.319 triệu đô la vào năm 2022, thậm chí được kỳ vọng sẽ vươn lên vị trí số 7 vào năm 2030. Bất chấp tình hình chiến tranh địa chính trị giữa Nga và Ukraine, kinh tế Indonesia vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức tăng 5,31% năm 2022. 

Song hành với tốc độ phát triển kinh tế, nhu cầu điện năng của Indonesia cũng không ngừng gia tăng, đặc biệt do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa của quốc gia này. Theo Cẩm nang Thống kê Năng lượng và Kinh tế Indonesia năm 2021, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng năng lượng lớn nhất với 317.568.463 BOE. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chiếm 31,11% thị phần tiêu thụ năng lượng cuối cùng theo ngành – đứng thứ hai sau ngành giao thông vận tải.

Để phát triển ngành công nghiệp bền vững hơn và thực hiện chuyển đổi năng lượng cân bằng hơn, chính phủ Indonesia đã triển khai nhiều chương trình và sáng kiến nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng, với mục tiêu giảm 17% năng lượng tiêu thụ trong ngành vào năm 2025.

Chương trình Tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Indonesia bao gồm các biện pháp cải thiện hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, thúc đẩy các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Các chính sách hiệu quả năng lượng của Indonesia được quy định theo Sắc lệnh Tổng thống số 43/1991 về Bảo tồn Năng lượng. Ngoài ra, các cơ sở pháp lý khác nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng được triển khai trong một số quy định, chẳng hạn như  như Luật số 30/2007 về Năng lượng, Quy định của Chính phủ số 70/2009 về Bảo tồn Năng lượng, Quy định của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khoáng sản (MoMER) số 14/2012 về Quản lý Năng lượng và Quy định của Chính phủ số 79/2014 về Chính sách Năng lượng Quốc gia. Các quy định này được ban hành nhằm đảm bảo quản lý năng lượng tối ưu, tích hợp và bền vững trong các lĩnh vực như hộ gia đình, thương mại, và công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu giảm 17% trong ngành công nghiệp vào năm 2025, Indonesia có thể thực hiện nhiều hình thức tiết kiệm năng lượng khác nhau như thay đổi công nghệ, thực hiện bảo trì thường xuyên, lắp đặt linh kiện mới, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng, cũng như triển khai kiểm toán năng lượng và các ý tưởng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, các dự án tiết kiệm năng lượng tại quốc gia này vẫn được đánh giá có rủi ro cao và không có lợi nhuận.

Indonesia thu hút 13 tỉ USD vào ngành công nghiệp chế biến bauxite

Theo tính toán trong Kế hoạch tổng thể năng lượng quốc gia (RUEN) với kịch bản kinh doanh thường lệ (BAU), nhu cầu năng lượng của Indonesia sẽ tăng gần tám lần từ 159 Mtoe vào năm 2015 lên 1.050 Mtoe vào năm 2050.

Là quốc gia có tốc độ phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19 và ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga – Ukraine, Indonesia tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực thông qua phát triển ngành công nghiệp. Tuy nhiên, do nhu cầu năng lượng cao, ngành công nghiệp là nhóm ngành trọng điểm cần ưu tiên áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Mặc dù nhu cầu năng lượng liên tục tăng lên song song với đà tăng trưởng kinh tế, các ngành công nghiệp của đất nước này hầu như chưa áp dụng bất kỳ biện pháp tiết kiệm năng lượng nào, dẫn đến nhu cầu về công nghệ tiết kiệm năng lượng ngày càng lớn. Bộ Năng lượng Indonesia dự báo các ngành công nghiệp hóa dầu (17%), thực phẩm (15%), thép (32%), dệt may (35%), giấy và bột giấy (20%) và xi măng (22%) có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn.

Chính phủ Indonesia đã và đang thực hiện nhiều quy định và biện pháp để cải thiện hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp. Mặc dù các nỗ lực này đã cho thấy những kết quả tích cực, nhưng cần có thêm những chính sách và khung pháp lý để giải quyết các thách thức hiện tại, khai thác toàn bộ tiềm năng tiết kiệm năng lượng của đất nước và đạt mục tiêu giảm 17% mức tiêu thụ năng lượng toàn ngành công nghiệp vào năm 2025.

Hoàng Dương (Theo business-indonesia.org)