Thursday, 16/01/2025 | 00:07 GMT+7

Hiệu quả từ tiết kiệm điện trong sản xuất thanh long

01/12/2015

Do diện tích thanh long phát triển vượt qui hoạch kéo theo hệ thống điện bị quá tải, không đảm bảo cung cấp điện ổn định cho chong đèn thanh long.

Tính đến hết năm 2014, diện tích trồng thanh long toàn tỉnh Bình Thuận là 24.064 ha, tăng gấp 4,15 lần so với năm 2005, vượt hơn 60% so với quy hoạch phát triển thanh long đến năm 2015 của tỉnh là 15.000 ha. Do diện tích thanh long phát triển vượt qui hoạch kéo theo hệ thống điện bị quá tải, không đảm bảo cung cấp điện ổn định cho chong đèn thanh long.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Thuận (PCBT), diện tích thanh long đã có điện là 23.196 ha, chiếm 96,4% tổng diện tích thanh long hiện có. Đến nay, toàn tỉnh có 15.013 trạm biến áp với dung lượng là 876MVA. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành điện đã đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống điện cho cả lưới điện 220 kV, 110 kV, 22 kV với tổng mức đầu tư 1.013 tỷ đồng, chủ yếu để cấp điện cho thanh long nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển nóng thanh long của tỉnh.

Một vườn thanh long ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận 
sử dụng đèn compact thay đèn sợi đốt

Ông Nguyễn Thành Ngôn - Phó Giám đốc PCBT cho biết, nếu như năm 2010, sản lượng điện cho thanh long là 240 triệu kWh, thì đến năm 2015, sản lượng điện tiêu thụ ước đạt 568 triệu kWh, tăng 2,36 lần, chiếm tỉ trọng 32,6% so với tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh Bình Thuận. Bình quân trong giai đoạn này phụ tải cho thanh long tăng 18,7%/năm, cao hơn rất nhiều so với tăng phụ tải chung của cả tỉnh là 7%/năm.

Trước thực tế này, ngày 28/2/2015, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản số 544/UBND-KTN tiếp tục thực hiện phương án tiết giảm 50% công suất trạm biến áp chong đèn thanh long cho mùa vụ 2015, giống như năm 2012. Nhưng có những điểm mới là khuyến khích và ưu tiên sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện. Theo đó, đối với người dân lắp trạm biến áp mới nếu cam kết sử dụng 100% bóng đèn compact tiết kiệm điện để chong đèn thanh long thì sẽ được cấp đủ 100% nhu cầu điện vườn thanh long; nếu không cam kết sử dụng 100% bóng đèn compact tiết kiệm điện thì vẫn phải thực hiện theo phương thức tiết giảm 50% công suất trạm biến áp. Đối với khách hàng đã có trạm biến áp chong đèn thanh long hiện hữu (đang thực hiện tiết giảm 50% công suất trạm biến áp) có nhu cầu phát triển diện tích chong đèn thanh long mới tại khu vực có thể dùng chung trạm biến áp hiện hữu, nếu cam kết sử dụng 100% bóng đèn compact tiết kiệm điện để chong đèn các vườn thanh long thì sẽ được đáp ứng 100% nhu cầu điện trong khả năng của trạm biến áp hiện hữu (không cần phải đầu tư trạm biến áp mới).

Sử dụng đèn compact để chong thanh long

Ông Nguyễn Thành Ngôn cho biết thêm, dựa trên cơ sở hiệu quả chung cho cả cộng đồng, tránh lãng phí nguồn năng lượng, tạo hài hòa lợi ích giữa người chưa có điện và người có điện trồng thanh long, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững thì đây là giải pháp tối ưu và duy nhất trong tình hình hiện nay.

Anh Nguyễn Duy Toàn, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, gia đình anh có 2 ha thanh long chong đèn. Từ khi ngành điện tiến hành tiết giảm 50% công suất điện sử dụng, gia đình chuyển sang sử dụng 100% bóng đèn compact tiết kiệm điện. Tuy giá thành đầu tư ban đầu cao hơn, nhưng công suất tiêu thụ chỉ bằng 1/3 so với bóng đèn sợi đốt. Vì vậy không ảnh hưởng gì đến nhu cầu chong đèn thanh long.

Ông Nguyễn Văn Trung, thôn Thuận Điền, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc trồng 3.000 trụ thanh long chia sẻ: “Gia đình tôi đầu tư Trạm biến áp dung lượng 50 kVA. Khi tiết giảm 50% mà sử dụng bóng sợi đốt thì chỉ chong được 1.000 trụ, nhưng khi chuyển sang dùng bóng compact thì tăng lên 1.500 trụ. Tôi chong đèn luân phiên 2 đợt trên diện tích hiện có vừa phù hợp với khả năng của gia đình, vừa là một cách rải vụ để bảo đảm hiệu quả sản xuất. Mình sử dụng tiết kiệm điện còn để dành cho những người đi sau có điện mà sử dụng nữa chứ”.

Vườn thanh long đang được chong đèn cho ra hoa trái vụ ở xã Hàm Minh, 
huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Ông Ung Ngọc Hải - chủ trang trại thanh long Ngọc Hân, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam cho biết, trang trại có 14.000 trụ thanh long đã sử dụng đèn compact từ 5 năm nay. Ông khẳng định, dùng bóng đèn compact thay bóng đèn sợi đốt công suất điện tiêu thụ giảm rất nhiều, nhưng năng suất thanh long vẫn không giảm, cho nên dù có tiết giảm 50% công suất điện thì vẫn coi như là không tiết giảm. Việc tiết giảm điện như vậy là phù hợp để hệ thống điện không quá tải và vận hành được an toàn.

Qua kết quả khảo nghiệm của Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thanh long Bình Thuận phối hợp với Công ty Cổ phần bóng đèn Điện Quang thực hiện về hiệu quả sử dụng bóng đèn compact 20W và bóng đèn sợi đốt 60W xử lý thanh long ra hoa trái vụ cho thấy, sử dụng bóng đèn compact năng suất và chất lượng thanh long tương đương như khi sử dụng đèn sợi đốt, nhưng điện năng tiêu thụ giảm 2/3.

Ông Nguyễn Văn Linh, thôn Tiến Hòa, xã Hàm Tiến, TP. Phan Thiết trồng 1.200 trụ thanh long trên diện tích 1 ha đã nhiều năm sử dụng đèn compact cho biết, sử dụng đèn compact, hàng năm gia đình ông tiết kiệm điện được khoảng 30 triệu đồng so với khi còn sử dụng bóng đèn sợi đốt. Ngoài ra, dùng đèn compact khi gặp trời mưa không bị cháy, nổ và tuổi thọ cao gấp 6-7 lần so với bóng đèn sợi đốt, vì vậy tiết kiệm được chi phí sản xuất.

Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng thanh long, sử dụng đèn compact còn làm cho cây thanh long phát triển tốt, cho ra hoa kết trái ổn định. Ông Đoàn Văn Quang - xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, ngoài việc giảm được chi phí tiền điện, sử dụng đèn compact còn làm cho hoa ra đều vừa phải, dây thanh long đủ sức nuôi hoa cho ra trái. Nếu sử dụng bóng đèn sợi đốt thì một dây thanh long cho ra rất nhiều búp, người trồng cũng phải cắt bỏ chỉ để lại khoảng từ 3-4 búp để cho ra trái đạt phẩm cấp tốt. Những chỗ bị cắt bỏ thì sau này không thể cho ra búp được nữa, nên thanh long sẽ không ra trái. Còn nếu cứ để cho phát triển ra trái thì chất lượng sẽ rất thấp, khó tiêu thụ, đồng thời cây thanh long kiệt sức vì bị khai thác quá mức.

Thu hoạch thanh long trái vụ ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận

Điều này cũng lý giải cho tình trạng thời gian gần đây, nhiều vườn chong đèn nhưng hiệu quả rất thấp, thậm chí cả vườn thanh long không ra hoa, dù đã chong đèn 15- 20 ngày (thời gian cần thiết cho một đợt chong đèn).

Theo báo cáo của PCBT, trong nhiều năm qua, Công ty đã triển khai nhiều Chương trình vận động tiết kiệm điện trong sản xuất thanh long, trong đó có Chương trình Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện, đến tháng 10-2015, Bình Thuận có hơn 9 triệu bóng đèn compact, chiếm 71,2% trong tổng số hơn 12, 63 triệu bóng dùng để chong thanh long. Làm giảm công suất đỉnh của hệ thống điện khoảng 360MW, tương đương với sản lượng 196,56 triệu kWh. Với giá điện là 1.518 đồng/kWh thì người trồng thanh long tiết kiệm khoảng 298 tỷ đồng/năm. Đối với ngành điện tương ứng với tiết kiệm đầu tư 900 tỷ đồng.

Hiệu quả của việc sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện compact trong sản xuất thanh long đã được kiểm chứng trong thực tiễn, đồng thời cũng góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Phát triển hệ thống điện để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững không thể chỉ từ nỗ lực riêng của ngành điện, mà cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều ngành nhiều cấp, cũng như sự đồng thuận, ủng hộ và chia sẻ của bà con nông dân.

Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu điện cho diện tích thanh long hiện hữu và dự kiến theo qui hoạch đến năm 2020 diện tích thanh long là 30.000ha,  PCBT đã xây dựng và đang trình Tổng công ty Điện lực miền Nam phê duyệt Đề án “Đầu tư phát triển lưới điện để đáp ứng cung cấp điện cho phụ tải thanh long giai đoạn 2016-2020”. Trong đó, dự kiến sẽ đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng nâng cấp hệ thống lưới điện 220kV, 110kV, 22kV.

Theo Tạp chí Công Thương